Tổng giám đốc HSC Johan Nyvene: Chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế!

(ĐTCK) “Đúng là mình có quyền tự hào vì đã đóng góp không ít vào sự phát triển của TTCK Việt Nam trong mười mấy năm qua, nhưng tôi cho rằng, mình còn có thể làm được nhiều hơn thế. Vì vậy, tôi luôn trăn trở về những điều mình chưa làm được”. 
Ông Johan Nyvene Ông Johan Nyvene

Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC), ông Johan Nyvene chia sẻ những suy tư trong cuộc nói chuyện về chủ đề thành công của HSC gắn với sự phát triển của TTCK Việt Nam.

Thưa ông, HSC được đánh giá là một CTCK chuyên nghiệp và được quản trị tốt trên thị trường. Nhưng tôi thấy dường như ông vẫn không hài lòng với những gì mà HSC đạt được ở thời điểm này? Vì sao?

Xin cảm ơn những đánh giá khách quan đó. Nhưng xét một khía cạnh nào đó, về chủ quan, tôi thấy rằng, HSC còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt sự chuyên nghiệp khi so sánh với các tiêu chuẩn chuyên nghiệp đã được kiểm chứng tại các thị trường phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào sân chơi chuyên nghiệp quốc tế.

Những trọng tâm mà HSC đặt ra để hướng tới tính chuyên nghiệp đó là: trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý và nhân viên, quy trình vận hành và nền tảng công nghệ. Đây là những ưu tiên cần được cải thiện và phát triển, đáp ứng các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, hướng HSC tới sự phát triển thực chất và hiệu quả.

HSC nhận giải Báo cáo thường niên xuất sắc nhất trong mùa bình chọn 2015

Phải chăng, đánh giá như vậy là quá khắt khe với chính mình, bởi thực tế là HSC đã đạt được kết quả kinh doanh tốt và tất cả những gì HSC có đang được thể hiện trên giá cổ phiếu được định giá ở mức P/E cao hơn mặt bằng chung của thị trường?

Đúng là mình có quyền tự hào vì đã đóng góp không ít vào sự phát triển của TTCK Việt Nam trong mười mấy năm qua, nhưng tôi cho rằng, mình còn có thể làm được nhiều hơn thế. 10 năm hay 20 năm tới, HSC sẽ phát triển theo định hướng nào, bản thân tôi và các thành viên trong Ban lãnh đạo là người biết rất rõ.

Chiến lược phát triển mà chúng tôi đang vận hành tại HSC trong suốt những năm qua phần nào phản ánh thực chất kết quả kinh doanh, trong đó yếu tố con người là mắt xích quan trọng làm nên hiệu quả quản trị, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ. Chính vì vậy, đào tạo đội ngũ kế cận luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi trong quản trị. Thị trường có thể đánh giá HSC là công ty được quản trị tốt, nhưng bản thân tôi thấy rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm để quản trị tốt hơn nữa.

Nhưng nếu không được quản trị tốt, không có sự chủ động thì sao có được kết quả kinh doanh tốt?

Tôi quan niệm rằng, phải kiếm được tiền từ thị trường mà không trông chờ vào thị trường là lý do để mình phải chủ động. Tôi luôn tìm cách để thay đổi cách làm mới hiệu quả hơn và trân trọng những giá trị sáng tạo mà mỗi nhân viên đóng góp vào thành quả chung của HSC.

Nếu nói về TTCK Việt Nam sau 15 năm thì đánh giá của ông như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, TTCK Việt Nam đang dần định hình theo hướng bắt nhịp với các chuẩn mực kinh doanh và vận hành của khu vực. Chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm để TTCK Việt Nam tiến xa hơn nữa trong vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế. Tư duy muốn đổi mới, muốn làm nhiều hơn cho việc nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam là có thật, nhưng cần có tinh thần chịu trách nhiệm cụ thể cho những thay đổi tác động lên sự chuyển biến của thị trường.

Đã đến lúc thị trường cần nghe những câu như “Tôi sẽ làm cái này” hơn là “Chúng ta sẽ làm cái này”. Khi đó, việc biết chịu trách nhiệm với những gì mình làm cho thị trường sẽ tạo ra giá trị ảnh hưởng tích cực hơn. Đó cũng chính là phương châm mà tôi luôn định hướng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên HSC trong công việc của mỗi người.

Nhưng trách nhiệm phát triển thị trường liên quan đến những cơ quan nào thì đã khá rõ ràng, thưa ông?

Việc xây dựng và phát triển thị trường là trách nhiệm của các thành viên tham gia thị trường. Ở đây cần hiểu rõ “trách nhiệm” là gắn với việc bạn “sở hữu” một đầu việc nào đó. Nói cách khác, ở các thị trường cấp tiến, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan rất rõ ràng. Thị trường của họ được vận hành tốt hay không phụ thuộc vào sự rõ ràng đó.

Trong tất cả các thị trường, hiệp hội chứng khoán đóng vai trò xây dựng thị trường, là mẫu số chung của tất cả CTCK, các chủ thể trung gian. Đó là nơi xây dựng thị trường và các bên liên quan khác như ngân hàng thanh toán, trung tâm lưu ký có tác động trực tiếp đến phát triển của thị trường.

Làm sao để mọi người sau khi đã thảo luận, xác định và nhận biết được các vấn đề của thị trường sẽ nhận sở hữu vấn đề đó, giữ cam kết với việc phải làm gì. Nhìn nhận thị trường ở góc độ sở hữu các vấn đề cần giải quyết chưa thực sự tích cực.

Câu chuyện này có diễn ra ở chính HSC?

HSC là hình ảnh thu nhỏ của thị trường, vì vậy nó không là ngoại lệ. Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của lối tư duy “sở hữu” một vấn đề trong công tác quản trị điều hành, từ đó làm cho mọi người nhận thức rõ cam kết của mình trong phạm vi công việc mà mình đang phụ trách.

Ở HSC, tôi đang “sở hữu” trách nhiệm làm cho mọi người nhận thức tác động của tư duy “sở hữu” lên chính mảng công việc của mình. Hiệu quả như thế nào phải bắt đầu từ chính tôi.

Gần đây, chính sách mở “room” cho nhà đầu tư ngoại của Chính phủ được coi là cú huých với thị trường. TTCK Việt Nam sớm hay muộn cũng sẽ phải phát triển phải hội nhập. Điều đó có làm cho ông cảm thấy vui hơn?

Tôi vừa mừng, vừa lo! Mừng là thị trường còn là cái ao, nếu thành cái biển thì liệu mình có đủ sức để bơi trong cái biển lớn ấy không? Đó là nói một cách hình ảnh.

Thị trường sẽ thành “biển lớn” khi giá trị giao dịch lên 10 hay 20 nghìn tỷ đồng một ngày thì khi đó những tên tuổi lớn trên thế giới sẽ vào đây cùng với tiềm lực tài chính, công nghệ quản trị và con người của họ.

Lúc đó, biển thực sự có cá mập, cá voi! Và tôi mừng là vì hiện tại chưa có cá mập, cá voi trong cái ao đó, chứ nếu có thì chắc mình cũng không có đủ chỗ để bơi!

Nếu coi thị trường là cái ao thì HSC có cảm thấy chật chội chưa?

Có thể cho là như thế. Bởi vì tiềm lực của HSC có thể làm được nhiều hơn thế: HSC có thể xử lý được mấy chục nghìn lệnh mà trong khi hiện tại chỉ xử lý mấy nghìn lệnh vì thị trường chỉ có thế; vốn chủ sở hữu của HSC là 2.200 tỷ đồng thì có 1.000 tỷ đồng dư thừa trong ngân hàng; các nước khác người ta giao dịch từ 8h30 sáng đến 5h chiều thì ta chỉ giao dịch khoảng 4 giờ/ngày...

Nói chung, công suất lao động của thị trường chưa ở tầm của một cái biển lớn. Nhưng chắc chắn một điều mà tôi tin là con cá trong ao rồi sẽ lớn hơn; khi đó, nó sẽ muốn bơi ở cái ao lớn hơn và vươn ra biển lớn! Tôi mong thị trường sẽ vươn ra biển lớn và mong công ty mình trở thành cá lớn hơn.


Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục