Chính sách tiền tệ giúp kinh tế nâng cao khả năng chống chịu Covid
Đứng trước biến cố khó lường là dịch bệnh Covid-19 kéo theo sự sụp đổ của chuỗi cung ứng trong nửa đầu năm 2020, cùng với những biến động lớn trên thị trường tài chính thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành các mục tiêu kinh tế vĩ mô xung quanh lạm phát, ổn định xã hội và vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó nâng cao tính ổn định và khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Cụ thể, ngay từ những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hạ lãi suất điều hành, đảm bảo thanh khoản thị trường luôn ở mức dồi dào. Tính chung 11 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giảm ba lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn thay thế với chi phí thấp hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng; và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn trong các lĩnh vực ưu tiên. Điều này đã góp phần đưa kinh tế địa phương phục hồi nhanh hơn.
Về khuôn khổ quản lý ngoại hối (FX), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, nhằm đảm bảo thị trường nói chung ổn định và phát triển bền vững. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ hai chiều khi hạ tỷ giá bán USD trong tháng 3 để đáp ứng nhu cầu chính đáng khi thị trường ngoại hối chịu áp lực trong thời kỳ xã hội xa cách và giảm tỷ giá mua USD vào tháng 11 khi nguồn cung USD trên thị trường trở lại dồi dào.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam |
Không giống như những năm trước, khi tiền đồng thường mất giá so với đồng USD, năm 2020, tiền đồng thậm chí đã tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với đồng USD, trong khi thị trường ngoại hối gần như không có áp lực cuối năm.
Ưu tiên thu hút vốn tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng
Mặc dù Việt Nam đã nổi lên mạnh mẽ hơn từ dịch Covid-19 so với các nước khác trong khu vực, tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp và người tiêu dùng khó khăn đó.
Mặc dù Việt Nam không thể thực hiện các gói kích thích tài khóa lớn, nhưng đã đưa ra một số hỗ trợ có mục tiêu và ngắn hạn, chủ yếu bao gồm hoãn thuế và gói an sinh xã hội trực tiếp cho các hộ nghèo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đã đề xuất gói kích thích thứ hai, bao gồm hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực hàng không (trị giá 11.000 tỷ đồng) và du lịch, cũng như gói an sinh xã hội hơn 3.600 tỷ đồng. Với mức độ nhỏ hơn nhiều so với gói kích thích đầu tiên, chúng tôi không kỳ vọng gói kích thích lần này sẽ có tác động đáng kể đến tình hình tài khóa tổng thể của Việt Nam.
Chính phủ dự kiến mức thâm hụt ngân sách ở mức 5 - 5,6% GDP, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, nhưng vượt mục tiêu ban đầu là 3,4%. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu bội chi ngân sách bình quân khoảng 3,7%, cụ thể năm 2021 là 4% trước khi giảm xuống còn 3,4% vào năm 2025.
Đáng chú ý là Chính phủ đã đưa ra mục tiêu khiêm tốn là tăng 1,4% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2021. Điều này cho thấy khả năng Chính phủ không sử dụng ngân sách công để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, mà sử dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP), đây là một mô hình lý tưởng để Việt Nam cân đối giữa mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng và ngân sách tài khóa hạn hẹp.
Trên thực tế, Chính phủ đã tìm kiếm sự hỗ trợ song phương và đa phương từ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ngân hàng Thế giới.
4 vấn đề cần lưu ý
Cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, mặc dù trong những ngày này, chúng ta đã nghe nhiều tin vui về vắc xin. Có thể thấy, tác động của dịch bệnh diễn ra vẫn khó dự đoán lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng có thể hình dung được sức ép lên tài chính công sẽ gia tăng do thu ngân sách giảm xuống, trong khi chi ngân sách tăng lên do Chính phủ gia tăng gói kích cầu để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam là một ngôi sao sáng về tăng trưởng, tôi nhìn thấy một số rủi ro cho Việt Nam nếu chúng ta không kịp thời hành động và nắm bắt thời cơ.
Thứ nhất là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là vấn đề đã được nhắc tới trong những năm gần đây. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng được ghi nhận, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các công ty nhà nước. Tiến trình cổ phần hóa chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. Hiện tại, các công ty nhà nước vẫn chi phối tới một phần ba nền kinh tế. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước sẽ giúp xác định lại việc phân bổ vốn đầu tư, giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, theo WB, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng).
Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng bền vững là một trong những điểm đáng tự hào, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta cải thiện được các thủ tục thuế quan và hành chính vốn đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực này. Theo số liệu của WB, các doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán thuế 6 lần thanh toán thuế một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế, và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận.
Thứ tư, điều xảy ra với Việt Nam cũng tương tự như con đường nhiều nước đang phát triển đi qua, đó là tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Với nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt, tổng mức tiêu thụ điện đang gia tăng nhanh hơn mức tăng sản lượng điện. Với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhiên liệu hóa thạch, ngành năng lượng phát thải gần hai phần ba tổng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Điều tích cực là Chính phủ đã nhận thức tầm quan trọng của vấn đề và đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Các chiến lược và kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên đã được áp dụng. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tới quá trình tìm con đường phát triển bền vững.
Nhiều cơ hội để tận dụng
Việt Nam được kỳ vọng sẽ kết thúc năm 2020 với mức tăng trưởng dương. Bước sang năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ được hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và nhờ vào dòng vốn FDI. Trong khi đó, với bối cảnh tiêu dùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát ở dưới mức bình quân 4% mà Quốc hội đề ra.
Các hiệp định thương mại đã kết thúc đàm phán, đã được ký hay đã có hiệu lực như UKVFTA, EVFTA hay RCEP sẽ tiếp tục là tiền đề vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực xuất khẩu, đẩy mạnh thặng dư thương mại. Trong khi đó, với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, không khó để thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử-công nghệ.
Về bức tranh tỷ giá trong năm 2021, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vắc xin Covid-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ…
Trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất… để đảm bảo sự chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Tham gia các hiệp định tự do thương mại hay mở cửa đồng nghĩa với gia tăng cạnh tranh nhưng cạnh tranh với những người giỏi nhất chính là cơ hội để học hỏi. Điều đó buộc các công ty phải nhanh nhẹn, luôn điều chỉnh và phải đổi mới. Người Việt Nam rất mạnh mẽ, chăm chỉ và sáng tạo. Nếu các công ty nắm bắt được những đặc điểm này, tự tin cạnh tranh và thường xuyên học hỏi, tôi không thấy có lý do gì khiến các doanh nghiệp Việt Nam không thể thành công.