Có ý kiến cho rằng, việc CII công bố thông tin về khả năng lỗ lớn do trích lập dự phòng quý IV/2015 là hành động nhằm gây tác động giảm giá cổ phiếu. Ông giải thích sao về vấn đề này?
Theo quy định về công bố thông tin cũng như theo truyền thống của CII từ trước đến nay, bất cứ khi nào xảy ra sự kiện bất khả kháng có ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh, CII luôn công bố thông tin ngay trong 24 giờ. Tôi nhớ năm 2011, CII cũng từng một lần thực hiện tương tự và năm 2013 cũng vậy.
Tôi nghĩ, nếu CII giữ im lặng và bất ngờ công bố lỗ khi kết thúc quý IV/2015, hậu quả sẽ hết sức nặng nề. Công ty cho rằng, nên kịp thời cung cấp thông tin cho cổ đông và đương nhiên là có cả tin tốt và tin xấu. Qua đó, nhà đầu tư kịp thời đánh giá các thông tin để có quyết định phù hợp.
Trước khi Công ty công bố thông tin về khả năng lỗ quý IV, giá cổ phiếu CII đã giảm từ mức 23.400 đồng/cổ phiếu về 20.800 đồng/cổ phiếu. Phải chăng thị trường đã biết trước và phản ứng trước khi thông tin được công bố? Điều này có phục vụ cho mục tiêu giao dịch cổ phiếu mua vào không vì với mặt bằng chung, ngay cả khi trích lập 110 tỷ đồng, thì định giá CII vẫn rẻ hơn so với các cổ phiếu khác trong nhóm ngành xây dựng, bất động sản, hạ tầng?
Tôi không nghĩ rằng thị trường biết trước thông tin này. Bởi vì, ngày 16/11/2015, CII mới nhận được thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thông báo có đóng dấu khẩn, có nghĩa là quyết định chỉ vừa được đưa ra trong thời gian gần đây). Ngay trong ngày 16/11/2015, CII đã làm việc với đơn vị kiểm toán và công bố thông tin ngay sau cuộc họp.
Do vậy, rất khó để có thể nói rằng thông tin đã có từ trước đây cả tháng. Nếu có thể chỉ là phần nhận định về trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá mà nhà đầu tư nào cũng có thể thấy được.
Về vấn đề đầu tư, tôi cho rằng, nhà đầu tư nhìn vào tương lai doanh nghiệp một cách dài hạn hơn, tính theo đơn vị năm, chứ không nên nhìn vào một vài diễn biến trong một quý, nhất là với doanh nghiệp đầu tư dự án như CII.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là người quyết định về tiến độ đầu tư, quy mô đầu tư của dự án. CII không có thẩm quyền quyết định về việc này.
Tôi không nghĩ rằng việc thay đổi này có nguy cơ xảy ra thường xuyên vì Chính phủ đang kêu gọi mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Việc thay đổi này, ngoài gây lỗ trong ngắn hạn, cũng sẽ tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của Công ty trong dài hạn. Tuy nhiên, mức độ tác động là không đáng kể, CII có thể có các nguồn thu khác để bù đắp cho sự thiếu hụt của nguồn thu từ dự án này.
CII có thể lỗ lớn trong quý IV/2015
Ngày 16/11/2015, CII công bố thông tin về việc đã nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi tiến độ đầu tư, thu phí của một số dự án BOT của CII. Theo CII, việc này làm thay đổi lớn đến doanh thu, dòng tiền của Công ty cũng như cam kết của CII với các đối tác.
Thêm vào đó, khoản trái phiếu 25 triệu USD do các nhà đầu tư quản lý bởi Goldman Sachs nếu chuyển đổi sau 31/12/2015 sẽ dẫn tới việc CII phải trích lập dự phòng rủi ro chênh lệch tỷ giá.
CII cho biết, Công ty đã làm việc với phía công ty kiểm toán và với 2 yếu tố trên, Công ty hoàn toàn có khả năng trích lập dự phòng từ 110 tỷ đồng trở lên, dẫn tới bị lỗ lớn vào quý IV/2015.
Kết thúc 3 quý đầu năm, CII đạt 824,672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là hơn 691 tỷ đồng theo hạch toán, lợi ích thực tế mà cổ đông công ty mẹ nhận được là 872,824 tỷ đồng.