Nỗ lực mở room trước 31/12/2015
ĐHCĐ bất thường của CII diễn ra ngày 20/10/2015 đã thông qua nội dung ủy quyền cho HĐQT làm các thủ tục, bao gồm cả việc giảm các ngành nghề kinh doanh, để thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho NĐT nước ngoài lên mức 100% vốn điều lệ.
Để có được kết quả này, trước đó, Tổng giám đốc CII, ông Lê Quốc Bình đã phải thuyết phục cổ đông về lợi ích của việc các NĐT ngoại tham gia sâu vào hoạt động của CII, thay vì chỉ là NĐT tài chính.
“NĐT tham gia tỷ lệ 3% vốn điều lệ sẽ khác với việc họ tham gia 10%, 15% hay 30% vốn điều lệ. Các nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi trên thế giới có cách tiếp cận hoàn toàn khác khi biết GS đã đầu tư vào đây. Các NĐT đừng e ngại mở room đến 100% vốn điều lệ rồi thì NĐT nước ngoài sẽ vào thâu tóm chúng ta. Tôi nghĩ họ không có mục tiêu bỏ ra nhiều tiền vào để thâu tóm và giải tán CII, vì không có CII này thì sẽ có CII khác. Trong khi đó, với tài chính lớn, kinh nghiệm quản trị, uy tín, khả năng tiếp cận các nguồn vốn mới, họ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Công ty hơn”, ông Bình nói.
Với kỳ vọng như vậy, CII cho biết sẽ nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục để có thể mở room trước thời điểm cuối năm. Ông Bình cũng đồng thời hé mở về khả năng tiếp tục có biến động về nhà đầu tư nước ngoài cuối năm nay và đây cũng chính là lý do CII càng nỗ lực hoàn thành mục tiêu mở room này.
Những cam kết của CEO CII
Tại cuộc họp ĐCHĐ bất thường của CII, vấn đề được cổ đông quan tâm là, Công ty lấy đâu ra nguồn lực để thực hiện mua vào 50 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương khoảng trên 1.000 tỷ đồng) và kế hoạch kinh doanh của CII thời gian tới ra sao. Ông Bình cho hay, với tổng nguồn vốn của CII hiện nay, việc thu xếp 1.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ là hoàn toàn có thể. “Tôi lo được khoản này”, ông Bình khẳng định.
Về tình hình kinh doanh của CII, ông Bình cho hay, lợi nhuận sau thuế 9 tháng công ty mẹ đạt 865 tỷ đồng và dự kiến cả năm sẽ không điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, vì không muốn năm nay hạch toán quá nhiều, năm sau chẳng có gì hạch toán, gây tình trạng giật cục về lợi nhuận, không tốt cho NĐT.
Trước một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận với GS là một bài học cần rút kinh nghiệm của CII, ông Bình cho hay, đây là câu chuyện thời thế, vì thời điểm đó, CII rất khó khăn. “Khi đó, tôi có làm tờ trình HĐQT với câu mở đầu là “CII tồn tại hay là chết?”. Chúng ta đã có giải pháp khi đó và từ 2014 bắt đầu vượt qua khó khăn, ghi nhận kết quả tốt. Hiện nay, có nhiều người chào bán trái phiếu chuyển đổi CII, nhưng tôi không bao giờ đồng ý, vì mỗi năm giá CII tăng ít nhất 15%, trừ khi họ chấp nhận tăng giá chuyển đổi 30% mỗi năm”, ông Bình nói.
Trả lời câu hỏi về đóng góp lợi nhuận các mảng kinh doanh năm 2016 và kế hoạch lợi nhuận thấp hơn năm 2015, ông Bình cho hay, đây là vấn đề nhạy cảm, không muốn công bố chi tiết vì sẽ liên quan đến Dự án Thủ Thiêm.
“Tuy nhiên, nếu cổ đông hỏi có hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận không, thì tôi cam kết chắc chắn”, ông Bình nói và cho biết thêm, kế hoạch lợi nhuận 847 tỷ đồng chủ yếu do việc mua cổ phiếu quỹ dự kiến với chi phí 1.000 tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn và chi phí vốn của Công ty.
Hé lộ dự án khủng?
Chia sẻ về việc nhận được sự quan tâm rất lớn từ các NĐT nước ngoài, ông Bình cho biết, mơ ước lớn nhất của ông là huy động vốn từ các quỹ hưu trí của Mỹ.
“Nguồn vốn của họ rất lớn, chi phí lại rất rẻ, chỉ 1-2%/năm, họ không mua cổ phiếu. Chỉ có điều ai sẽ làm cầu nối cho mình tiếp cận nguồn này. Tại ngày chốt danh sách cổ đông CII, trên 600 cổ đông CII là các NĐT tổ chức và cá nhân nước ngoài”, ông Bình nói.
Với sự chủ động tìm hướng đi nguồn vốn và việc CII cho biết có thể tìm nguồn vốn thay thế từ GS, các cổ đông đã không thông qua phương án gia hạn thời gian chuyển đổi cho trái chủ do GS quản lý.
Ngoài câu chuyện này, CII cũng hé mở về một dự án mà “cả Ban lãnh đạo CII rất đam mê, cũng làm về lĩnh vực hạ tầng, nhưng không biết CII có được làm hay không”. Theo ông Bình, đây là dự án mà CII nếu đầu tư được sẽ phải tăng vốn hoặc của CII, hoặc của CII Cầu đường và sẽ được “ăn cả đời” nhờ dự án.