Từ một khái niệm xa lạ với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, thị trường chứng khoán đã dần định hình và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và kênh đầu tư thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Chứng khoán Bảo Việt cũng như cá nhân ông gắn bó với thị trường từ những ngày đầu, trong dịp kỷ niệm ngành chứng khoán tròn 20 tuổi, hẳn ông có rất nhiều cảm xúc?
Tôi cảm thấy rất xúc động bồi hồi, mới đó mà ngành chứng khoán Việt đã tròn tuổi 20 và cũng là chừng đó thời gian tôi gắn bó với lĩnh vực này. Có lẽ chứng khoán là cái nghiệp với riêng tôi, là nghề chọn người, để từ đó tôi theo đuổi và đam mê.
Hai chục năm trước, các khái niệm về thị trường vốn, cổ phần, cổ phiếu, doanh nghiệp niêm yết, đặt lệnh, lưu ký chứng khoán, thanh toán bù trừ… vẫn còn là những điều rất xa lạ và có phần khó hiểu. Khi đó, tôi đang công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, được cùng với một số đồng nghiệp hình thành nhóm nhân sự trù bị, dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Phúc Lâm, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị BVSC.
Chúng tôi đã cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên mái nhà chung BVSC. Điều làm chúng tôi hạnh phúc và tự hào là mái nhà đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong một công trình, một thành quả to lớn của Chính phủ và Bộ Tài chính - thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có thể nói, thị trường chứng khoán là loại hình thị trường bậc cao nhất và khẳng định rõ mô hình kinh tế mà Chính phủ Việt Nam lựa chọn khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tự hào là công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường, tự hào là một trong những thế hệ nhân sự đầu tiên tham gia thị trường, tôi và khá nhiều đồng nghiệp kỳ cựu của BVSC còn cảm thấy hạnh phúc và tự hào hơn khi đến giờ này, sau 20 năm với nhiều thăng trầm của thị trường và cả chính BVSC, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chung tay xây dựng BVSC phát triển cùng với sự phát triển và lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nhữ Đình Hòa
Nếu được chọn lại, ông có chọn làm việc trong một ngành mới mẻ, đầy thách thức và áp lực này không? Trong điều hành Công ty, cảm giác hạnh phúc thường đến với ông khi nào?
Tôi nghĩ số phận cho mình cơ duyên đến với ngành chứng khoán, nhưng để ở lại với nghề này trong suốt 20 năm qua, tôi nghĩ phải có niềm đam mê lớn.
Mỗi công việc có những thách thức và áp lực riêng, bên cạnh đó là sự hấp dẫn, thú vị riêng. Tại BVSC, tôi có cơ hội trải qua nhiều vị trí khác nhau, trưởng thành từ những mảng nghiệp vụ cốt lõi của một công ty chứng khoán như môi giới, tư vấn, tự doanh… rồi sang công tác quản lý điều hành đã giúp tôi có những trải nghiệm đa dạng.
Giai đoạn khó khăn nhất là khi tiếp nhận vị trí thủ lĩnh điều hành Công ty trong bối cảnh rất nhiều thách thức cả trên phương diện kinh doanh với số lỗ lũy kế còn khá lớn, lẫn trong nội bộ tổ chức. Năm 2015, chúng tôi đã chính thức xóa lỗ lũy kế, hoạt động kinh doanh của BVSC đã được củng cố ổn định trên nhiều mặt, nội bộ công ty đoàn kết.
Có câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng đồng đội”. Có lẽ, cảm giác hạnh phúc nhất với tôi là được cùng các đồng nghiệp ở BVSC nhìn lại chặng đường 6 năm vừa qua của BVSC. Công ty có một truyền thống, hàng năm, trước thềm năm mới, chúng tôi tổ chức đêm Gala để nhìn lại một năm đã qua và là dịp để cá nhân tôi được gửi lời tri ân tới toàn thể cán bộ nhân viên Công ty và gia đình họ. Với tôi, đó là những khoảnh khắc hạnh phúc.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn đầu tư quốc tế. Theo ông, cần thời gian bao lâu và những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đó?
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn còn 10 tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường chưa đạt được theo chuẩn của MSCI. Đây là một khoảng cách khá xa so với tốp các thị trường mới nổi trong khu vực là Phillipines, Thailand và Indonesia, chỉ có 3 - 5 tiêu chí dưới chuẩn của MSCI.
Không chỉ thua kém thị trường thuộc tốp trên, ngay cả khi so sánh với 3 nước cùng tốp thị trường cận biên là Bangladesh, Argentina và Pakistan (sẽ chính thức được nâng hạng vào tháng 6/2017), Việt Nam vẫn có phần bị thua kém khi họ cũng chỉ có 5 - 7 tiêu chí dưới chuẩn. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn còn khá nhiều việc phải làm trong những năm tới để được đưa vào danh sách xét duyệt hàng năm của MSCI và thường cũng phải sau đó ít nhất 2 - 3 năm, chúng ta mới có cơ hội chính thức được nâng hạng.
Theo tôi, nếu tiếp tục bám sát và thúc đẩy lộ trình để được nâng hạng, chúng ta cần tới 4 - 5 năm nữa để có thể đạt được mục tiêu này.
Về giải pháp nâng hạng thị trường, theo tôi, cần tập trung vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt theo tôi nên tập trung vào 3 nhóm tiêu chí nằm trong tầm với của chúng ta như mở room ngoại (cần sớm ban hành một danh sách cụ thể với độ mở rộng hơn đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sở hữu nước ngoài); chuẩn hóa và tăng cường mức độ phổ biến của các văn bản, tài liệu báo cáo bằng tiếng Anh để giúp bình đẳng hóa khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài và cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, hệ thống thanh toán bù trừ, chuyển nhượng, cho vay chứng khoán một cách linh hoạt và chính xác.
Khối công ty chứng khoán là loại hình doanh nghiệp hoàn toàn mới, ra đời cùng ngành chứng khoán nên đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của thị trường. Quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ và cơ hội có lẽ sẽ chỉ đến với các công ty chứng khoán lớn và chuyên nghiệp. Ông nhìn nhận vị thế hiện tại của BVSC ra sao và trong tương lai, Công ty sẽ có những giải pháp gì để đứng vững trong nhóm các công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường?
Tôi cho rằng, quá trình tái cấu trúc khối công ty chứng khoán một cách mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua là một định hướng đúng đắn và giải pháp hợp lý của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho thị trường sau một giai đoạn tăng trưởng nóng. Với trên 100 công ty chứng khoán được cấp phép, đến nay, chỉ còn khoảng 76 công ty chứng khoán hoạt động. Mặc dù không thực hiện hợp nhất, sáp nhập với công ty chứng khoán nào, nhưng bản thân BVSC cũng đã phải thực hiện tự tái cấu trúc hoạt động.
Hoạt động kinh doanh của BVSC đang hướng tới ổn định và bền vững hơn, công nghệ thông tin được đầu tư nhiều hơn. Hiện tại, BVSC vẫn luôn nằm trong Top 10 trong bảng xếp hạng thị phần môi giới trên hai sở giao dịch chứng khoán và thường xuyên được vinh danh trong các giải thưởng lớn tôn vinh các công ty chứng khoán, công ty tư vấn tiêu biểu trên thị trường hàng năm.
Trong nhiều năm qua, BVSC đều được vinh danh là công ty chứng khoán tiêu biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), được nhận bằng khen và kỷ niệm chương từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho những nỗ lực đóng góp vào hoạt động của thị trường. Sự ghi nhận và tôn vinh của các cơ quan quản lý vận hành thị trường là niềm vinh dự cho BVSC, cũng là một cách giúp BVSC khẳng định vị thế của mình trên thị trường.
Trong chiến lược hoạt động 5 năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục đặt mục tiêu duy trì vị thế là công ty chứng khoán hàng đầu với 3 trụ cột chính là môi giới, tư vấn và tự doanh. Việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nguồn nhân lực… là những kế hoạch trọng tâm chúng tôi đã và đang triển khai để đạt mục tiêu trên.
Dấu ấn 20 năm ngành chứng khoán cũng đồng thời là lúc ngành chuẩn bị khai mở thị trường chứng khoán phái sinh. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội mà mảng thị trường mới này sẽ mang lại cho các công ty chứng khoán và các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam?
Tôi cho rằng, việc mở cửa thị trường phái sinh theo dự kiến vào năm 2017 tới đây là thời điểm thích hợp khi lộ trình Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế. Sự ra đời của thị trường phái sinh là xu thế tất yếu, không chỉ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới, tiệm cận với các nước trên thế giới, mà các sản phẩm phái sinh xuất hiện sẽ tạo ra nhiều chiến lược giao dịch hấp dẫn cho nhà đầu tư, cũng là cơ hội cho các chủ thể tham gia thị trường nói chung, trong đó có các công ty chứng khoán.
Tôi có cái nhìn lạc quan về tiềm năng của thị trường phái sinh trong dài hạn, nhưng cũng thấy rằng với quy mô thị trường cơ sở và mức độ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước vẫn còn khá khiêm tốn như hiện nay, để vận hành thị trường chứng khoán phái sinh thành công sẽ có nhiều thách thức và đòi hỏi nỗ lực chung tay từ tất cả các thành viên tham gia thị trường.