Tổng giám đốc BVSC: Cần sẵn sàng khi “cuộc chơi” AEC bắt đầu

(ĐTCK) Sự liên thông thị trường tài chính với các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE) dự kiến mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi các định chế tài chính riêng lẻ cũng như toàn hệ thống phải có sự chuẩn bị kỹ càng để hoạch định một chiến lược kinh doanh thời hội nhập.
Tổng giám đốc BVSC: Cần sẵn sàng khi “cuộc chơi” AEC bắt đầu

Trao đổi với ĐTCK, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) cho biết, ngày 1/1/2016, ACE chính thức ra đời, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Trong 3 trụ cột chính của ACE (Cộng đồng Chính trị An ninh - APSC, Cộng đồng Kinh tế - AEC và Cộng đồng Văn hóa Xã hội - ASCC) thì AEC được coi là quan trọng nhất.

Việc hình thành AEC tạo điều kiện tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và dòng vốn trong nội khối. Với tổng quy mô GDP của các nước ASEAN đạt 2.600 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm, dân số trên 625 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người gần 4.000 USD/người/năm…, sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực có giao dịch thương mại lên tới khoảng 600 tỷ USD mỗi năm này.

Ở góc độ thị trường tài chính nói chung, AEC tạo ra một thị trường rộng lớn, với độ mở về giao thương giữa các nước sẽ phát sinh nhu cầu về dịch vụ tài chính của các NĐT trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu là các nhu cầu về thu xếp và cung ứng vốn cho các hoạt động đầu tư, cả từ “ngoài vào trong” và từ “trong ra ngoài”.

Tổng giám đốc BVSC: Cần sẵn sàng khi “cuộc chơi” AEC bắt đầu ảnh 1

Ông Nhữ Đình Hòa
 

Hiện tại, nhiều định chế tài chính lớn của các nước ASEAN như Kasikorn của Thái Lan, Ngân hàng Phát triển Singapore, Maybank của Malaysia… đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đón đầu cơ hội từ hội nhập, một số ngân hàng thương mại Việt Nam như BIDV, Vietinbank, Sacombank, hay một số tổ chức trung gian tài chính khác đã có chi nhánh, văn phòng đại diện ở các nước ASEAN, tập trung ở Lào, Campuchia và Myanmar.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, theo ông Hòa, AEC trước mắt sẽ tạo cơ hội mở rộng thị phần cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) khi sắp tới dự kiến sẽ có một lượng rất lớn NĐT từ các nước trong khu vực tham gia thị trường.

Mặt khác, sự hiện diện của các NĐT nước ngoài tại Việt Nam sẽ gia tăng áp lực với các định chế trung gian tài chính, đòi hỏi phải cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và tạo ra nhiều giá trị, lợi ích thiết thực hơn cho khách hàng.

“Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thời cơ mở rộng thị trường, phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các nước trong khu vực ASEAN, đồng thời tiếp cận với công nghệ quản trị tiên tiến”, ông Hòa nói.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, dù không phải lĩnh vực cốt lõi trong việc thành lập AEC, nhưng AEC vẫn có thể coi là yếu tố đóng vai trò hỗ trợ một cách gián tiếp cho TTCK Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến những tác động tích cực trên góc độ hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản sẽ hỗ trợ cho giá trị nội tại của các doanh nghiệp cũng như diễn biến của giá cổ phiếu. Đây là nền tảng bền vững nhất cho triển vọng tăng trưởng của TTCK trong trung và dài hạn.

Thứ hai, trên góc độ thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam, sự có mặt của các NĐT nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn sẽ góp phần làm chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam, từ đó tăng cường kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty, quản trị rủi ro, kỹ năng phân tích, đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước. Sự luân chuyển tự do của các dòng vốn tạo điều kiện để quy mô của thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng tăng lên đáng kể, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, đáp ứng các nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế.

Thứ ba, như đã nói ở trên, AEC tạo ra sức ép, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó có cả các CTCK, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trên TTCK Việt Nam. Điều này được hiểu, khi tham gia vào một sân chơi chung và chịu áp lực cạnh tranh từ các đối tác trong khu vực cả về trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực, thì buộc các doanh nghiệp, cụ thể là các CTCK hay tổ chức trung gian tài chính, phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển. Điều này đồng nghĩa chất lượng dịch vụ, trình độ nhân sự và các sản phẩm đầu tư mới sẽ được hoàn thiện.

Nhìn chung, hội nhập AEC vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Trong thời điểm hiện tại, có lẽ chưa thể cảm nhận được rõ ràng sự tác động từ AEC tới thị trường tài chính và thị trường vốn. Tuy nhiên, khi cuộc chơi thay đổi, sự bảo hộ Nhà nước dành cho doanh nghiệp đang dần dỡ bỏ, thị trường đang dần thống nhất và các doanh nghiệp phải cạnh tranh công bằng với nhau, thì tác động hai mặt từ AEC sẽ bắt đầu được thể hiện một cách rõ ràng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên nhận thức cơ hội, thách thức từ việc hội nhập AEC, tìm hiểu những lợi ích và khó khăn mà AEC mang lại. 

Câu chuyện của tư duy đổi mới :

-AEC chưa phải “biển lớn”, nhưng vẫn là “hồ” so với “ao nhà” của Việt Nam. Dù còn tồn tại nhiều vấn đề như khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các thành viên trong khu vực, thiếu đầu tàu và đồng tiền mạnh để dẫn dắt khu vực..., nhưng không có nghĩa các doanh nghiệp không coi trọng sân chơi AEC. Nếu chưa bơi nổi trong cái “hồ” này, khó hy vọng có doanh nghiệp vươn lên tầm thế giới.

-AEC mang lại cơ hội, nhưng cũng tạo nhiều thách thức về cạnh tranh. Nhiều sản phẩm nước ngoài dự kiến sẽ tràn vào Việt Nam, trong khi đó một bộ phận người dân Việt Nam có tâm lý sính ngoại, nên rất có thể họ chuyển sang dùng sản phẩm nước ngoài khi chúng được bày bán rộng rãi trên thị trường nội địa, với giá cả dự kiến giảm so với trước. Dù có lợi thế am hiểu địa lý, lối sống, văn hóa tiêu dùng của Việt Nam, nhưng nếu doanh nghiệp không biết tận dụng, không củng cố và phát triển lợi thế này, thì sẽ dễ bị đối thủ qua mặt trên chính sân nhà.

-Theo cam kết gia nhập AEC, nhiều doanh nghiệp sẽ không còn nhận được sự “bao bọc” và “bảo lãnh” bởi Chính phủ, vì thế áp lực bị đào thải trong sân chơi AEC sẽ rất cao nếu doanh nghiệp không nỗ lực cải thiện để tăng năng lực cạnh tranh. Câu chuyện sắp tới sẽ là câu chuyện của tư duy đổi mới và nâng cao quản trị doanh nghiệp.

-AEC là một thị trường “cộng”, chứ không hoàn toàn “hoà nhập”, nên sẽ có độ lệch pha nhất định giữa văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên tục cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để phòng tránh rủi ro khi tham gia vào một sân chơi lớn hơn.

 - “Liên kết, hợp tác, chia sẻ” sẽ là chìa khóa để tạo ra động lực phát triển chung. AEC hay hội nhập đồng nghĩa tất cả sẽ tham gia vào một chuỗi cung ứng để tạo ra giá trị tốt hơn cho sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Khi đó, sẽ không còn câu chuyện “mạnh ai người nấy làm”, mà cần cần tăng cường trao đổi, đối thoại với các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành nghề để kịp thời nắm bắt thông tin, chính sách, đồng thời phản ánh những khó khăn, trở ngại để các cơ quan chức năng có những giải pháp điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Trang Ninh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục