Không phải ngân hàng nào cũng dư thừa thanh khoản
Ghi nhận diễn biến trên thị trường cho thấy, trong khi một số ngân hàng đang hạ lãi suất huy động so với thời điểm đầu năm, thì một số nhà băng lại âm thầm điều chỉnh theo hướng nhích lên.
Cụ thể, VPBank giảm lãi suất 0,1 - 0,3%/năm các kỳ hạn, giảm mạnh nhất 0,3%/năm đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm; các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm. Viet Capital Bank giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%/năm, xuống còn 7,8%/năm.
Tương tự, VIB giảm 0,1 - 0,3%/năm tất cả các kỳ hạn, trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm 0,1% còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3 - 5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm 0,15% về 5,6%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%/năm. DongA Bank cũng thông báo giảm lãi suất 0,1%/năm kỳ hạn 1 tháng, VietBank giảm 0,1 - 0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng.
Sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016 nhưng không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình nâng lãi suất của Fed vẫn đúng theo dự kiến
Ngoài ra, lãi suất bình quân nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hiện đang áp dụng thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 50 điểm phần trăm, ở mức 4,3% - 4,8%/năm cho kỳ hạn 1 - 4 tháng.
Tuy nhiên, có không ít các ngân hàng tăng lãi suất, chẳng hạn Maritime Bank điều chỉnh lãi suất tăng ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm. Ocean Bank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%/năm. Tương tự, Techombank cũng tăng lãi suất từ ngày 10/2 với mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,1%/năm so với hồi đầu tháng 2.
Còn tại Eximbank, mức lãi suất cao nhất tăng mạnh lên 8%/năm ở 2 kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Đây cũng là ngân hàng có lãi suất cao nhất hệ thống khi cung cấp dịch vụ “lãi suất tiết kiệm online”, theo đó, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất thưởng 0,2%/năm so với lãi suất gửi tại quầy đối với kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.
Tại VietA Bank, với những khoản tiết kiệm giá trị trên 100 triệu đồng ở các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 7,8%/năm. Hay với BacA Bank, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 7,65%/năm cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Đặc biệt, kể từ đầu tháng 3 đến nay, cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi trở nên khá sôi động tại một số ngân hàng. Điển hình là Sacombank chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm + 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm. LienVietPostBank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm. VietA Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn từ 6 tháng đến 18 tháng, mức lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm.
Đáng chú ý, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm mới 25.689 tỷ đồng qua kênh OMO và lượng vốn đáo hạn đạt 22.375 tỷ đồng. Do vậy, 3.314 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước bơm ròng qua kênh này. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng tuần qua có xu hướng tăng nhẹ với biên độ từ 0,16 - 0,17% đối với tất cả các loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,16%, lên mức 4,86%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,17%, lên mức 4,92%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,17% đạt mức 4,94%/năm, còn lãi suất qua đêm liên ngân hàng VND ngày 28/3 ở quanh mức 5%/năm.
Lãi suất sẽ tăng
Nhìn lại từ đầu năm 2017 đến nay, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến khá trồi sụt. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán (dao động quanh mức 5%/năm) thì lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đều đã hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn neo ở mức khá cao. Cụ thể, hai tuần sau Tết, lãi suất các kỳ hạn giảm mạnh xuống chỉ còn 2%/năm nhưng ngay sau đó đã tăng nhanh trở lại, duy trì ở mức từ 3,5 - 4,5%/năm.
Diễn biến này cũng khá tương đồng so với thời điểm đầu năm 2016, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng không quá dư thừa trong bối cảnh hoạt động điều tiết cung tiền qua kênh OMO và tín phiếu được Ngân hàng Nhà nước sử dụng thường xuyên.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, tính đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 2,75% so với cuối năm ngoái, trong khi tăng trưởng huy động đạt 2,6%.
Trước đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/2/2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 1,23% so với cuối năm ngoái, gần gấp đôi so với mức tăng 0,65% cùng kỳ năm 2016. Ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 1,87%, trong khi tăng trưởng huy động là 1,03%.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền M2 và cầu tín dụng tính từ đầu năm đến ngày 20/2/2017 vào khoảng 65.000 tỷ đồng, nếu trừ đi phần hút ròng của kênh trái phiếu từ đầu năm thì còn khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.
Đây có thể được coi là con số phản ánh thanh khoản của hệ thống và phần này trên thực tế, dư thanh khoản chủ yếu nằm tại các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Trong khi đó, sự khó khăn về thanh khoản lại thường xảy ra với nhóm ngân hàng thuộc tốp sau với quy mô vừa và nhỏ, việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Điều này giải thích tại sao mặc dù thanh khoản toàn hệ thống vẫn đang khá dồi dào nhưng lãi suất liên ngân hàng lại có diễn biến tăng trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia kinh tế phân tích thêm, lãi suất huy động tăng còn xuất phát từ xu hướng tăng của lạm phát. Lạm phát tăng khá nhanh ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là yếu tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, áp lực tăng lãi suất chủ yếu đến từ Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Theo đó, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động là nhằm cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn, khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% đã có hiệu lực kể từ đầu năm 2017.
Dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn, do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các ngân hàng lớn.
Hơn nữa, ngay cả đối với các ngân hàng thuộc tốp trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn 1 trong 2 cách: tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hoặc điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.
Tại hội thảo về Triển vọng kinh tế Việt Nam do HSBC tổ chức, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC nhận định, chắc chắn lãi suất VND sẽ không thể quay về mức thấp như trước đây, thay vào đó sẽ tăng dần do các ngân hàng cần cải thiện chỉ số vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, nhà băng cần chuẩn bị vốn để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, khi niềm tin của doanh nghiệp ngày càng được cải thiện và chuẩn bị nguồn lực trước bài toán thanh khoản khi thời điểm áp dụng Basel II đang tới gần.
Vị tổng giám đốc trên dự báo: “Sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016 nhưng không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đúng theo dự kiến”.