Tôn Đông Á: Thách thức IPO và niêm yết khi thép đảo chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 1 tháng qua, giá thép quay đầu giảm, ngay thời điểm Công ty cổ phần Tôn Đông Á chuẩn bị chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào tháng 1/2022.
Giá quặng sắt giảm mạnh kéo theo giá thép giảm khiến những doanh nghiệp có hàng tồn kho cao đứng trước nguy cơ suy giảm lợi nhuận. Giá quặng sắt giảm mạnh kéo theo giá thép giảm khiến những doanh nghiệp có hàng tồn kho cao đứng trước nguy cơ suy giảm lợi nhuận.

Cổ phiếu thép trên sàn giảm giá

Trong bối cảnh giá thép tăng mạnh và nhóm cổ phiếu thép trên sàn chứng khoán nổi sóng, Tôn Đông Á dự kiến chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 12,37 triệu đơn vị, tương đương 12% vốn điều lệ. Theo đó, tổng số cổ phiếu đang lưu hành sẽ tăng từ 102,32 triệu đơn vị lên 114,69 triệu đơn vị.

Trong báo cáo phân tích về Tôn Đông Á, Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2022 của Tôn Đông Á là 10.683 đồng, hệ số P/E mục tiêu là 7,5 lần dựa trên mức trung bình của các công ty cùng ngành và số lượng cổ phiếu lưu hành sau IPO, nên đưa ra giá mục tiêu của cổ phiếu là 80.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, kể từ khi ra báo cáo phân tích về Tôn Đông Á, giá thép thế giới đảo chiều và nhóm cổ phiếu thép trên sàn chứng khoán có diễn biến giảm. Nhờ 2 phiên gần nhất tăng giá trở lại nên tính đến cuối tuần qua (26/11/2021), mức giảm so với đỉnh gần nhất khoảng 1 tháng trước được thu hẹp từ trên 20% xuống còn 10 - 20%, định giá P/E của cổ phiếu HSG, NKG, SMC, TLH lần lượt là 4,4 lần, 4,5 lần, 2,7 lần, 4,5 lần.

Gió đổi chiều với ngành thép?

Yếu tố khiến các nhà đầu tư lo ngại về nhóm cổ phiếu thép chính là tồn kho cao kỷ lục của các công ty. Kể từ tháng 6/2020 tới nay, hầu hết công ty trong lĩnh vực thép, tôn mạ khi thấy giá bán tăng cao theo giá thế giới đã gia tăng tích trữ hàng tồn kho.

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) tăng 594,3 tỷ đồng tồn kho, lên 2.237,5 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng tài sản; Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) tăng 1.665,3 tỷ đồng tồn kho, lên 3.469,2 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng tài sản; Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) tăng 4.767,2 tỷ đồng tồn kho, lên 7.138,3 tỷ đồng, chiếm 45,2% tổng tài sản; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong niên độ kế toán 2020-2021 (1/10/2020 - 30/9/2021) tăng 6.832,4 tỷ đồng tồn kho, lên 12.356,2 tỷ đồng, chiếm 46,4% tổng tài sản.

Nhìn chung, tận dụng xu hướng giá bán tăng, các công ty trong lĩnh vực thép và tôn mạ thực hiện cùng một chiến lược là gia tăng tồn kho giá rẻ để tận dụng giá bán tăng nhằm mục đích cải thiện biên lợi nhuận.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá thép đổi chiều khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới có động thái kiềm chế sức nóng của thị trường bất động sản, qua đó ảnh hưởng đến thị trường thép toàn cầu.

Cụ thể, thị trường bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu bong bóng và Tập đoàn bất động sản Evergrande không thể trả lợi tức của các khoản vay trái phiếu tới hạn, điều này dẫn tới mối quan ngại rằng, nhiều công ty bất động sản trong những năm qua đẩy mạnh vay nợ thực hiện các dự án có thể lâm vào tình trạng tương tự.

Chính vì lo ngại vỡ nợ trên thị trường bất động sản, hàng loạt dự án bất động sản có dấu hiệu chậm được triển khai. Ngoài ra, một số động thái mới cho thấy, Chính phủ Trung Quốc muốn kiềm chế đà tăng của thị trường bất động sản, thực hiện chiến lược “Thịnh vượng chung” và tập trung nguồn lực phát triển công nghệ, thay vì lĩnh vực bất động sản như trong 10 năm trước.

Không ít chuyên gia và giới phân tích lo ngại, giá bất động sản tại Trung Quốc khó có thể tiếp tục tăng, hoạt động xây dựng sẽ chậm lại, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ quặng sắt cũng như thép giảm mạnh, qua đó ảnh hưởng tới giá hai nguyên liệu cơ bản này trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, sản lượng từ các nhà máy thép lớn của Trung Quốc tính đến cuối tháng 10/2021 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tồn kho quặng sắt ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 và các nhà máy thép tại nước này chịu áp lực khi giá thép giảm nhanh. Nếu như Chính phủ Trung Quốc không có chính sách kích cầu trong thời gian tới, triển vọng tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ ảm đạm.

Được biết, từ ngày 19/7 - 22/11/2021, giá quặng sắt giảm 57,2%, từ 219,5 USD/tấn xuống 94 USD/tấn, đây là vùng đáy trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Áp lực giảm mức định giá cổ phiếu

Như vậy, giá nguyên liệu giảm nhanh, kéo theo giá thép giảm, tồn kho lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận trong các kỳ báo cáo sắp tới và gây áp lực hạ mức định giá cổ phiếu.

Đó là chưa kể, cổ phiếu thép thuộc nhóm cổ phiếu chu kỳ, việc dự phóng lợi nhuận được khuyến nghị giả định ở mức trung bình vài năm, thay vì lấy năm hiện tại mà doanh nghiệp báo cáo đạt lợi nhuận kỷ lục, điều này giúp định giá cổ phiếu thận trọng hơn.

Được biết, Tôn Đông Á thành lập năm 1998, là nhà sản xuất tôn mạ thuộc Top 3 về quy mô sản lượng tại Việt Nam; là nhà cung cấp sản phẩm tôn mạ có thị phần số 1 ở khu vực miền Nam và số 2 trên cả nước; sản phẩm được xuất khẩu đến 45 quốc gia, đứng thứ ba tại Việt Nam về xuất khẩu tôn mạ.

Doanh nghiệp có 2 nhà máy tôn mạ tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu công nghiệp Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương, công suất tối đa 850.000 tấn/năm.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục