Tôn Đông Á lên kế hoạch niêm yết trên HOSE trong tháng 1/2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Tôn Đông Á đang chuẩn bị IPO và đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tôn Đông Á lên kế hoạch niêm yết trên HOSE trong tháng 1/2022

Theo đó, SSI Research vừa công bố báo cáo cập nhập về CTCP Tôn Đông Á. Trong đó, ước tính CTCP Tôn Đông Á dự kiến sẽ IPO trong tháng 11/2021, công ty chào bán 12,37 triệu cổ phiếu sơ cấp và 2,98 triệu cổ phiếu thứ cấp, tương ứng 12% và 3% vốn điều lệ trước chào bán.

Nếu chào bán thành công, Công ty sẽ nâng số lượng cổ phiếu lưu hành từ 102,32 triệu cổ phiếu lên 114,69 triệu cổ phiếu và dự kiến niêm yết trên HOSE trong tháng 1/2022.

Được biết, trước IPO, cơ cấu cổ đông của Công ty gồm 68% thuộc nhóm cổ đông sáng lập, ban quản lý và các bên liên quan; 16,8% thuộc về nhà đầu tư chiến lược; 6,8% thuộc về nhà đầu tư tổ chức khác; và 8,3% nhà đầu tư cá nhân.

Theo thông tin không chính thức, các nhà đầu tư giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021 liên tục chào bán cổ phiếu Tôn Đôn Á trên sàn OTC, giá chào bán từ 20.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy, giá giao dịch thực tế vẫn không được tiết lộ và nhà đầu tư đang chờ đợi Công ty công bố giá IPO trong thời gian tới.

Lợi nhuận biến động mạnh theo chu kỳ

CTCP Tôn Đông Á được thành lập từ năm 1998, kinh doanh chính là tôn mạ dùng trong hoạt động xây dựng như tấm lợp, vách, sàn… Hiện tại, Công ty có hai nhà máy tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 tại Bình Dương với công suất hàng năm 850 nghìn tấn.

Tình hình kinh doanh của Tôn Đông Á

Tình hình kinh doanh của Tôn Đông Á

Xét về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của Tôn Đông Á chỉ mới tăng trưởng trong những năm trở lại đây, trong những năm 2017 lợi nhuận giảm 13,4% về 452 tỷ đồng, năm 2018 giảm 88,7% về 51 tỷ đồng...

Được biết, giai đoạn năm 2017 - 2018 là giai đoạn khó khăn của ngành thép - tôn mạ, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng có kết quả kinh doanh đi xuống và thậm chí một số doanh nghiệp lỗ. Bước vào giai đoạn 2020 - 2021, hưởng lợi từ giá bán tăng cao, các công ty trong lĩnh vực thép - tôn mạ trên sàn cũng đang ghi nhận lợi nhuận kỷ lục.

Ngoài ra, xét về cơ cấu nguồn vốn, sau khi báo cáo lợi nhuận giảm mạnh từ năm 2018, công ty đã đẩy mạnh giảm nợ ròng giảm từ 4.411 tỷ đồng về tới 30/6/2021 còn 2.658 tỷ đồng, tương ứng nợ ròng/vốn chủ sở hữu giảm từ 215,2% về còn 92,9%...

Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản Công ty đạt 8.334 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định đạt 2.933 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.326 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.584 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục