Thực thi luật, e ngại “đầu voi đuôi chuột”
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhiều lần đề nghị, đối với các văn bản hướng dẫn và điều kiện kinh doanh không phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi sẽ đương nhiên không còn hiệu lực khi luật chính thức áp dụng.
“Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ, cùng một vấn đề sẽ áp dụng theo quy định của luật ban hành sau, có nghĩa là hơn 2.000 văn bản với hàng nghìn điều kiện kinh doanh trên sẽ đương nhiên hết hiệu lực theo tinh thần của Luật Đầu tư sửa đổi. Tiêu chí đã có rất rõ ràng về mục tiêu và thẩm quyền, vấn đề là phải làm dứt khoát, cần bỏ ngay nhiều văn bản trái pháp luật. Khi luật đã quy định thì cơ quan nhà nước phải nghiêm chỉnh thực thi”, ông Cung nói.
Ông Cung cho rằng, việc việc rà soát và công bố những văn bản trái pháp luật chỉ mất khoảng 1 tuần, nhưng có tác động rất lớn và ngay lập tức tới môi trường kinh doanh, do đó, cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, phải quy trách nhiệm cụ thể tới từng bộ ngành liên quan, với người chịu trách nhiệm cao nhất là các bộ trưởng.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này và duy trì tuân thủ luật về lâu dài lại không hề đơn giản, bởi việc tuân thủ luật pháp trong ban hành văn bản hướng dẫn điều kiện kinh doanh luôn của ta luôn trong tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Bản thân ông Cung cũng thừa nhận điều này, bởi ngay trong Luật Đầu tư 2005 đã quy đinh rõ chỉ cấp độ luật và nghị định mới được ban hành điều kiện kinh doanh, song thực tế vẫn không thực hiện được. Trào lưu ban hành các văn bản từ các bộ ngành và thậm chí từ các cấp huyện địa phương lại có xu hướng ngày càng nở rộ, khiến số lượng văn bản và điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền tính đến nay đã lên tới con số hàng nghìn. Đây cũng là lý do vì sao nhiều chuyên gia tỏ rõ sự lo ngại và hoài nghi tính khả thi của luật khi đi vào thực tế. Mặc dù vậy, ông Cung vẫn cương quyết cho rằng, dù quá muộn vẫn phải thực hiện, còn hơn là không.
Lúng túng với 21 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện
Về các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đã đưa vào Luật Đầu tư sửa đổi, kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vẫn còn tới 21 ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh. Phần lớn lĩnh vực trong số này thuộc ngành nghề cấm kinh doanh trước đây, song theo tinh thần cởi mở, thông thoáng của Luật Đầu tư sửa đổi thì được đưa vào nhóm lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Việc chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh cho 21 lĩnh vực này khiến các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp rất lúng túng.
Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ băn khoăn: “Với 21 lĩnh vực chưa có điều kiện kinh doanh, việc cấp phép sẽ được tiến hành như thế nào? Ai muốn kinh doanh cũng được, hay là phải tạm dừng chưa cấp phép chờ quy định?”.
Bên cạnh đó, ông Nội cũng nêu lên nhiều bất cập trong việc xem xét thế nào là đúng tiêu chí để ban hành điều kiện kinh doanh cũng như việc kiểm soát thực hiện.
“Việc xem xét thuộc hay không thuộc tiêu chí được ban hành điều kiện kinh doanh cũng đang vấp phải những tranh luận gay gắt. Các bộ ngành sẽ có cách để bảo vệ quan điểm của mình. Do đó, nếu chỉ mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư khó có thể làm được, vì cũng chỉ ngang cấp với các bộ khác. Cần phải có sự vào cuộc của cơ quan như Quốc hội thì mới đủ sức nặng với từng bộ ngành là tại sao lại có điều kiện này, tiêu chí kia. Tiêu chí nói thì đơn giản, nhưng đưa vào thực tế hoàn toàn không đơn giản vậy”, ông Nội phân tích.
Dù thời điểm 1/7 đã cận kề, nhưng theo quan điểm của ông Cung, việc cấp phép với 21 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dứt khoát không thể dừng lại, mà vẫn phải thực hiện đúng thời hạn Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực.
“Chưa có điều kiện thì coi như không có hoặc chưa có, người dân phải được kinh doanh, chứ không thể vì thế mà dừng cấp phép kinh doanh. Việc dừng cấp phép kinh doanh các lĩnh vực này là trái luật. Sau này, khi có vấn đề gì thì cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm, chứ lỗi không phải do người dân, người dân có quyền làm. Chỉ có cách tiếp cận đó mới tạo được áp lực buộc các cơ quan nhà nước phải khẩn trương xây dựng các điều kiện kinh doanh”, ông Cung quyết liệt.
- Kinh doanh pháo hiệu hàng hải; - Kinh doanh các loại pháo thuộc lĩnh vực quốc phòng; - Kinh doanh súng bắn sơn; - Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng; - Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin trên mạng viễn thông di động, mạng Internet; - Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin; - Kinh doanh dịch vụ thu hồi, vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ; - Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; - Kinh doanh dịch vụ đặt cược; - Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; - Dịch vụ ngân hàng mô; - Dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; - Dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; - Dịch vụ phân loại trang thiết bị y tế; - Dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế; - Dịch vụ xuất, nhập khẩu và vận chuyển vật liệu phóng xạ… |