Mối lo ngại này không phải là không có cơ sở khi đã có tiền lệ không lấy gì làm tích cực từ thực trạng triển khai rà soát bãi bỏ các điều kiện kinh doanh khi Luật Doanh nghiệp 2000 được ban hành trước đây. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thực tế thực hiện Luật Doanh nghiệp trong 15 năm qua cho thấy, thời gian đầu, nhiều nội dung về điều kiện kinh doanh đã được hợp thức hóa bằng cách đưa vào nghị định. Cùng với sự hợp thức hóa này, mọi việc hầu như lại trở về như ban đầu khi các bộ ngành và địa phương có xu hướng quay trở lại đưa vào thành các điều kiện kinh doanh theo hướng dẫn tại cấp thông tư.
Theo thống kê của CIEM, trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được tập hợp trong Luật Đầu tư, hầu như tất cả đều có những điều kiện được quy định bởi thông tư và văn bản hướng dẫn do cấp bộ ban hành. Ngoài ra, còn có sự “đóng góp” của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Theo ông Cung, số lượng điều kiện kinh doanh loại này lên đến hàng ngàn. Có những điều kiện được Luật, Nghị định giao thẩm quyền cho bộ ban hành chi tiết, nhưng số này rất ít.
Điều đáng quan ngại là trong số những giấy phép kiểu này, nhiều loại đã được bãi bỏ, song nay lại được khôi phục với mức độ phức tạp và khó khăn hơn, khiến điều kiện kinh doanh của các doanh ngiệp càng thêm khó khăn. Theo thống kê của Hội đồng rà soát, ngành giao thông vận tải gần như dẫn đầu với việc khôi phục lại gần hết số giấy phép trước đây đã từng bãi bỏ với mức độ còn khó khăn và phức tạp hơn. Tại các bộ ngành khác, hàng loạt điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc đã có chủ trương bãi bỏ, song lại được khôi phục lại ở nhiều lĩnh vực ngành nghề như cấp phép xây dựng của Bộ Xây dựng, nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp phép hoạt động in của nhiều bộ ngành và cơ quan Nhà nước…
“Khốn khổ” nhất trong số các ngành nghề bị khôi phục điều kiện kinh doanh trong số này phải kể tới ngành in, với hàng loạt điều kiện ràng buộc và quy định một cách chung chung, khiến doanh nghiệp rất khó áp dụng. Theo thống kê của Hội đồng rà soát, để có thể hoạt động trong ngành in, các doanh nghiệp phải mất rất nhiều công sức chạy vạy để được cấp hàng loạt giấy chứng nhận về đủ điều kiện hoạt động như an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, được Bộ Thông tin Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in. Ngoài ra phải có giấy chứng nhận về điều kiện phòng cháy chữa cháy, phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo ngành hàng… Đối với việc in nhãn các sản phẩm chuyên ngành và đặc thù thì thủ tục còn nhiêu khê, phức tạp hơn rất nhiều, như phải có chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam theo quy định đối với nhãn sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục bắt buộc có chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam, thậm chí còn phải có số đăng ký do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định đối với nhãn sản phẩm hóa dược, hay thuốc chữa bệnh, phải theo mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…
Cũng liên quan đến lĩnh vực này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết tại một hội thảo gần đây, hơn 100 DN ngành in rất ngỡ ngàng và bức xúc với quy định tại Nghị định 60 về hoạt động in, theo đó yêu cầu phải xin phép cơ quan chuyên ngành tại Hà Nội khi nhập khẩu máy cắt với thời gian xin phép lên tới 40 ngày.
Thời gian qua, ngành in phát triển được và bắt đầu gia nhập được vào chuỗi sản xuất của nhiều tập đoàn lớn như Canon là nhờ bỏ được giấy phép. Vậy mà nay, trong khi thực tiễn không có gì mới, cơ quan quản lý lại quay ra yêu cầu xin giấy phép trong lĩnh vực này. Tại sao lại phải có giấy phép này? Ai là người hưởng lợi khi khôi phục lại việc cấp phép? Đó là hàng loạt câu hỏi mà ông Tuấn cho biết các DN đã đặt ra đối với cơ quan Nhà nước khi khôi phục lại điều kiện cấp phép này.
Theo ông Tuấn, việc khôi phục lại với nhiều điều kiện phức tạp hơn làm doanh nghiệp mất lòng tin và giảm hợp tác với cơ quan Nhà nước và tình trạng này cần được cương quyết dẹp bỏ khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực.