Tôi đi mua nhà ở xã hội

(ĐTCK) “Em khẳng định luôn, nếu anh cứ làm hồ sơ rồi bốc thăm thì không được đâu. Còn nếu muốn chắc chắn thì có hai phương án: Nếu chọn căn không chọn tòa, chọn tầng thì đặt 50 triệu đồng tiền phí dịch vụ, còn chọn căn, chọn tầng, chọn tòa thì từ 80 - 120 triệu đồng phí dịch vụ”, một môi giới dự án nhà ở xã hội tư vấn như vậy.
Là dự án nhà ở xã hội, nhưng dự án IEC lại có môi giới bán như nhà ở thương mại Là dự án nhà ở xã hội, nhưng dự án IEC lại có môi giới bán như nhà ở thương mại

1. Ở Hà Nội cũng ngót ngét chục năm, lương thấp, hai vợ chồng tích cóp mãi cũng có chút vốn lận lưng khoảng 300 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi thuộc đối tượng được mua nhà xã hội và cũng đã làm hồ sơ đăng ký mua nhà tại một số dự án nhà ở xã hội như Ecohome I, II, AZ Thăng Long…, nhưng đều trượt.

Không bỏ cuộc, 2 vợ chồng tiếp tục tìm kiếm thông tin để khi nào có dự án nhà ở xã hội mở bán là lập tức làm hồ sơ với hy vọng thoát cảnh ở trọ. Tuy nhiên, khi được anh bạn tên Huy (ở Hà Nam), từng mua nhà ở xã hội tại Dự án nhà ở xã hội Hồng Hà (Thanh Trì) chia sẻ thì mới lý giải được vì sao vợ chồng tôi đạt tiêu chuẩn, nhưng không mua được nhà.

Theo anh Huy, nếu cứ nộp hồ sơ rồi chờ chấm điểm, bốc thăm thì chưa biết thế nào. Chỉ có cách là nhờ quen biết, nhờ chủ đầu tư hoặc nhờ môi giới, nhưng phải mất phí dịch vụ khoảng từ 80 - 200 triệu đồng thì mới được.

Tôi cãi lý với Huy, đây là chính sách Nhà nước đưa ra để hỗ trợ cho người thu nhập thấp có nhà. Đã có quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, sao lại có chuyện đó. Người nghèo tiết kiệm bao năm mới được 200 - 300 triệu đồng để mua nhà ở xã hội, giờ mất khoản phí lên tới 80 - 200 triệu đồng thì lấy đâu ra. Các cơ quan chức năng ở đâu, khi chính sách không đến được với người dân?

Trước những thắc mắc của tôi, Huy chỉ cười…

Từ chia sẻ của bạn và kinh nghiệm từ những lần nộp hồ sơ mua nhà trước, lần này tôi quyết định tìm hiểu thật kỹ về cả chính sách lẫn “phi chính sách” với mong muốn mua cho gia đình một chỗ an cư.

Về chính sách, tôi nhờ luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM tư vấn. Theo luật sư Phượng, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định rõ, khi chủ đầu tư khởi công dự án, phải cung cấp thông tin dự án (trong đó gồm: thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký) công khai tại trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng và trên tờ báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền địa phương. Trước khi nhận hồ sơ đăng ký, chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng biết và kiểm tra.

Thông tin về nhận hồ sơ được công bố công khai tại trang thông tin của Sở Xây dựng tối thiểu 30 ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ.

Tuy nhiên, trên thực tế lại không phải vậy và người nghèo vẫn khó tiếp cận các thông tin này. Nhiều người nghèo vẫn phải mất những phí dịch vụ không đáng có được chỗ an cư mà đang ra mình là đối tượng được thụ hưởng.

2. Khi có cả ngân lượng lẫn kinh nghiệm lận lưng, vợ chồng tôi tiếp tục hành trình mua nhà ở xã hội. Lần này chúng tôi tìm hiểu thì thấy có Dự án nhà ở xã hội IEC ở Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Điện cơ IEC làm chủ đầu tư, đã khởi công và đang chuẩn bị làm thủ tục hồ sơ mua nhà.

Tìm kiếm thông tin trên mạng thì thấy có rất nhiều lời quảng cáo có cánh và rao bán dự án này với số căn hộ, thông tin rõ ràng. Khi đặt vấn đề quan tâm tới dự án, tôi được các nhân viên môi giới chăm sóc nhiệt tình. Tuy nhiên, tôi tìm cách từ chối, vì theo quy định của pháp luật, nhà ở xã hội không được rao bán và giao dịch như nhà ở thương mại.

Thay vào đó, tôi tìm đến tận công trình dự án để tìm hiểu thêm thông tin. Quan sát thì thấy công trình đang tấp nập thi công, nhưng đối diện với công trình là các bàn nhựa, từng nhóm khoảng 3 đến 5 người ngồi. Tìm hiểu ra mới biết, đây là các môi giới ở các sàn giao dịch bất động sản đang môi giới bán nhà ở xã hội cho khách.

Như đoán được “con mồi” khi tôi đi chậm xe, ngay lập tức các nhân viên ở những bàn nhựa có biển thông báo bán hàng, có các giấy tờ, liên quan đến dự án nhà ở xã hội IEC đon đả chào mời: “Mua nhà ở xã hội đi bác ơi!”, “Anh đến mua nhà ở xã hội à?”...

“Anh ngồi xuống đây, anh uống nước vối hay chè đá, anh mua loại căn hộ nào”, một môi giới tên Văn Anh, giới thiệu là ở Sàn Giao dịch bất động sản MB Housing niềm nở mời tôi.

Sau vài lời giới thiệu và thăm dò, biết được tôi là người lần đầu tiên đi mua vì hỏi nhiều về thủ tục, cách mua và đắn đo về khoản tiền đặt cọc phí dịch vụ, nên các môi giới ra đòn “nắn gân”. Trong đó, người dẫn chính là Văn Anh, người có vẻ đứng tuổi nhất, còn các nhân viên ngồi quanh chỉ diễn vai phụ, thêm nếm khi khách hàng hoài nghi vấn đề gì đó.

“Em nói thẳng luôn, nhà ở xã hội quyền mua mọi người đều như nhau, nhưng vấn đề là duyệt hồ sơ và khi được thì sẽ bốc thăm. Ví dụ anh muốn lấy căn 53 m2, nhưng tại dự án chỉ có 60 căn loại này, nhưng khách quá nhiều, nên phải bốc thăm. Điều này sẽ dẫn đến việc có người được người không và những người có nhu cầu thật để ở như anh lại bốc phải phiếu trắng. Còn có người mua đầu tư thì lại bốc được”, Văn Anh thao thao bất tuyệt.

Như để nhấn độ khó khi mua nhà tại dự án này lần nữa, nhân viên này cho biết thêm: “Em cũng nói với anh, bản chất dự án này với căn 53 m2 và 64 m2 là không có bốc thăm, vì chỉ có 60 căn nên làm dịch vụ hết. Do đó, bên em có các phương án: Một là anh cứ làm hồ sơ như bình thường xong bốc thăm. Em khẳng định luôn là không bốc được. Hai là anh muốn chắc chắn mua được một căn (53 m2), nếu không chọn tầng, chọn tòa thì chịu mức phí dịch vụ ngoài là 50 triệu đồng, còn nếu anh chọn tầng, chọn tòa phí là 80 triệu đồng”.

Nói rồi nhân viên này lấy trong cặp ra một tờ giấy với các nội dung liên quan đến mua dự án, đề mục là Hợp đồng tư vấn và một phiếu thu bằng nửa tờ giấy A4 của người đã nộp tiền để trấn an tôi.

“Em cũng mới làm cho người tên Nam, thậm chí anh ấy còn không có hộ khẩu, em phải làm KT3 cho luôn. Anh ấy lấy căn 53 m2 và em đã nhận 50 triệu không chọn tầng, chọn tòa”, môi giới này cho hay.

“Khi lấy tiền phí dịch vụ, em ký Hợp đồng tư vấn có thưởng phạt với anh luôn. Tức là trong trường hợp bọn em không mua được căn hộ cho anh, bọn em sẽ bị phạt gấp đôi số tiền cho anh”, một môi giới khác giải thích thêm khi tôi băn khoăn về khoản tiền dịch vụ.

Sau hồi ngã giá, tôi lấy cớ để tham khảo thêm với các nhóm khác cạnh đó nên rời đi. Tới bàn khác, nơi có đôi nam nữ còn rất trẻ đang ngồi, nhân viên nam giới thiệu tên Nam ở Sàn giao dịch bất động sản Thăng Long Land cũng niềm nở tư vấn cho tôi. Nam cho biết, các mức phí dịch vụ để khách hàng có được căn hộ ưng ý là từ 50 - 120 triệu đồng/dịch vụ. Thậm chí, còn gợi ý tôi đặt ít tiền trước để giữ chỗ, mai quay lại làm thủ tục.

Trời nhá nhem tối, tôi tìm cách rút lui và hẹn mai quay lại. Đứng dậy không quên cất tiếng thở dài nặng nề và giờ mới thấu hiểu cảnh người nghèo mua nhà xã hội như tôi khó như thế nào.

Mang câu chuyện này chia sẻ với luật sư Trần Đức Phượng, anh cho biết: “Đây có thể là hành vi lừa đảo khách hàng. Có thể là chiếm đoạt số tiền hoặc dẫn khách đến dự khác khi khách đòi tiền. Phương án thứ hai là khả năng chủ đầu tư và sản môi giới câu kết với nhau. Việc này cũng hoàn toàn sai phạm. Ở đây dẫn đến tình trạng định hướng căn hộ cho khách hàng và như vậy, chủ đầu sẽ có 70 - 80% quyền quyết định căn hộ bán cho ai".

Tôi tự đặt câu hỏi, không biết cơ quan quản lý và chính quyền ở đâu khi để cho các môi giới rao bán công khai dự án nhà ở xã hội ngay tại công trình dự án?

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục