Tốc độ tăng vốn của 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường

(ĐTCK) Dù không phải là những thành viên đầu tiên của thị trường, nhưng nhiều mã có vốn hóa lớn nhất hiện nay đã có tốc độ tăng vốn khá lớn kể từ khi chào sàn.
Tốc độ tăng vốn của 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường

Thống kê của Đầu tư Chứng khoán điện tử cho thấy, 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường đều là các mã niêm yết trên sàn HOSE. Trong đó, VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP đang là cổ phiếu dẫn đầu về mức tăng trưởng về vốn.

Là doanh nghiệp lớn ngành bất động sản, sau hơn 9 năm niêm yết, VIC đã tăng mức vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng, lên 26.377 tỷ đồng, tăng gấp gần 32 lần so với thời điểm niêm yết.

Kể từ khi chào sàn với mức giá tham chiếu 120.000 đồng/CP, đến nay, sau nhiều lần chia tách, giá cổ phiếu VIC dao động quanh vùng 40x.

Trong phiên cuối tuần trước ngày 11/11, VIC đã có cú bứt phá mạnh giúp ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup dành lại vị trí quán quân, đẩy ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC lùi về vị trí thứ 2.

Tốc độ tăng vốn của 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường ảnh 1 

Tuy nhiên, sang phiên đầu tuần này (ngày 14/11), vị trí người giàu nhất thị trường chứng khoán đã được xác lập lại với việc ông Quyết chính thức vượt qua ông Vượng với tổng tài sản gần 33.248 tỷ đồng, hơn ông Vượng 2.186 tỷ đồng (tài sản của ông Vượng gần 31.062 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, 9 tháng năm 2016, VIC cũng ghi điểm cho chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Cụ thể, trong khi doanh thu 9 tháng của VIC đạt 34.655 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước thì lợi nhuận sau thuế đạt 3.094 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ và vượt 3% so với kế hoạch cả năm.

Đứng vị trí thứ 2 và cũng là thành viên lâu năm nhất trên thị trường trong bảng xếp hạng - VNM của CTCP Sữa Việt Nam. Sau gần 11 năm niêm yết, VNM đã tăng 813% từ mức 1.590 tỷ đồng ngày chào sàn lên 14.514 tỷ đồng tại thời điểm hiện nay.

VNM là một trong những cổ phiếu cơ bản có các yếu tố khá tích cực. Thống kê kết quả kinh doanh 4 năm gần đây, VNM có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khá khả quan.

Đáng chú ý, Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường có tới 3 mã thuộc họ ngân hàng. Trong đó, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có tốc độ tăng vốn kể từ khi chào sàn đến nay là 197%; BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vốn đạt 22% và CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất đạt 231%.

Tên doanh nghiệp

VĐL khi chào sàn

VĐL hiện nay

Tăng trưởng (%)

Vốn hóa (tính đến 14/11/2016)

VNM

CTCP Sữa Việt Nam

1.590

14.514

813

200.590

VCB

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam

12.101

35.978

197

128.800

GAS

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP

18.950

19.140

1

128.194

VIC

Tập đoàn VINGROUP - CTCP

800

26.377

3.197

113.157

CTG

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam

11.253

37.234

231

61.436

BID

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

28.112

34.187

22

52.477

ROS

 CTCP Xây dựng FAROS

4.300

4.300

49.966

MSN

CTCP Tập đoàn MaSan

4.764

7.561

59

46.304

BVH

Tập đoàn Bảo Việt

5.730

6.805

19

42.461

HPG

CTCP Tập đoàn Hòa Phát

1.320

8.429

539

34.721

Bên cạnh các cổ phiếu đã được niêm yết từ vài năm đến hơn 10 năm, bảng xếp hạng còn có sự xuất hiện của thành viên mới là ROS của CTCP Xây dựng FAROS. Mới chính thức niêm yết trên sàn HOSE trong khoảng 2,5 tháng nhưng ROS đã có mức tăng giá khủng, giúp cổ phiếu này lọt vào Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Với mức giá chào sàn chỉ 10.500 đồng/Cp, đến nay giá cổ phiếu ROS đã tăng gấp hơn 10 lần, đóng cửa phiên 14/11 ở mức giá 116.200 đồng/CP. Nhờ mức tăng trưởng nóng của cổ phiếu ROS đã giúp ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC vươn lên dành vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục