Đánh giá hiệu quả của Hội đồng quản trị, khó không?

(ĐTCK) Đánh giá Hội đồng quản trị (HĐQT) luôn là một công việc rất khó, thậm chí, trong phần mở đầu cho bài trình bày của mình tại Hội thảo cùng chủ đề do Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức cuối tuần qua, chuyên gia Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Chương trình CFVG, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã chia sẻ một ý niệm: không ai có thể đánh giá được liệu HĐQT có làm việc hiệu quả hay không ngoài chính họ.
Đánh giá hiệu quả của Hội đồng quản trị, khó không?

Vì sao phải đánh giá, vì sao không?

Theo chuyên gia Nam Thắng, có rất nhiều lý do giải thích cho quan điểm không nên mang HĐQT ra đánh giá. Việc đánh giá “sếp” luôn là câu chuyện nhạy cảm, ảnh hưởng đến mối quan hệ và dễ dẫn đến hậu quả “ghét cái thái độ”, sẽ rất khó khắc phục trong trường hợp này. Bên cạnh đó, thành viên HĐQT tại nhiều DN chỉ làm việc dạng bán thời gian, nên mọi đánh giá chỉ là phiến diện.

Pháp luật hiện hành quy định về công ty đại chúng cho phép 1 cá nhân được tham gia HĐQT tại 5 DN. Nếu DN nào có thành viên làm việc cùng lúc nhiều nơi như vậy, sẽ rất khó để hiểu được tính chất công việc của nhân sự và đưa ra đánh giá một cách thuyết phục về hiệu quả làm việc nói chung.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chuyên gia Nam Thắng cho rằng, việc đánh giá HĐQT là không  thể bỏ qua tại tất cả các tổ chức, DN. Lý do đơn giản là con người và tổ chức sẽ không học được gì nếu không có phản hồi. Để đánh giá hiệu quả của HĐQT, trước hết phải xác định rõ vai trò của HĐQT.

Bà Thắng chia sẻ, vai trò lớn nhất của HĐQT là xây dựng chiến lược, có thể tạm gói trong 5 mảng việc chính: Chiến lược là lập kế hoạch/Chiến lược là xây dựng năng lực cạnh tranh/Chiến lược là phản ứng với thách thức chính/Chiến lược là phát triển năng lực cốt lõi/Chiến lược là cách thức tối đa hóa giá trị cho các bên liên quan.

Với mỗi mảng việc, HĐQT vừa đóng vai sáng tạo, vừa đóng vai hỗ trợ, khích lệ đồng sáng tạo và giám sát thực thi. Để giúp các DN tìm một mô hình đánh giá phù hợp, bà Nam Thắng chia sẻ nội dung đánh giá được đưa ra bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu gồm KPMG, E&Y, Deloitte và PwC (xem bảng).

Nên xây dựng thông lệ đánh giá HĐQT và sử dụng thêm tư vấn

Có nhiều cách để đánh giá hiệu quả của HĐQT, nhưng theo chuyên gia này, tựu chung vào 3 điểm căn bản. Thứ nhất, về tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu chiến lược: HĐQT có thực sự hiểu các yếu tố thành công quan trọng của DN? Tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu được xác định rõ ràng và truyền thông vào mọi cấp độ của tổ chức?

Thứ hai, về quá trình hoạch định chiến lược, HĐQT phối hợp cùng với ban điều hành trong quy trình hoạch định chiến lược (mục tiêu tổng thể, kế hoạch hoạt động, tài chính)? Có tập trung vào các vấn đề chiến lược, thường xuyên đánh giá kết quả với việc đạt mục tiêu? Có dành đủ thời gian để xác định các vấn đề mới nổi có thể ảnh hưởng đến DN trong tương lai?

Thứ ba, về kiểm soát rủi ro, HĐQT có thường xuyên đánh giá rủi ro chiến lược và rủi ro hoạt động hay không? Có sử dụng hoạch định hoạt cảnh để đánh giá rủi ro chiến lược? Có chuẩn bị các mức độ phù hợp của kế hoạch dự phòng đối với quản trị khủng hoảng? Có xây dựng bộ phận kiểm soát nội bộ, tuân thủ nội bộ hay không?...

Để quản trị hiệu quả, lời khuyên các chuyên gia đưa ra là DN cần xây dựng chính sách đánh giá HĐQT và tiến hành đánh giá vào quý IV của năm tài chính. Mẫu biểu đánh giá cần được gửi sớm cho từng thành viên để có thời gian trả lời và cần có câu hỏi thể hiện tính khách quan, có thang điểm cụ thể.

Phương pháp đánh giá nên có sự thay đổi hàng năm (bên trong-bên ngoài, nội dung đánh giá) và kết quả, phản hồi cá nhân cần được gửi đến, thảo luận với từng thành viên bởi Chủ tịch. Cùng với đó, DN nên tính việc sử dụng tư vấn bên ngoài đánh giá, bởi khi sử dụng tư vấn bên ngoài, chúng tôi thấy chất lượng câu trả lời tốt hơn và trung thực hơn.

Khi tự đánh giá, các câu trả lời mang tính lịch sự là chính. Đặc biệt, khi HĐQT “có vấn đề”, đánh giá bên ngoài đòi hỏi khó tính hơn về quy trình, các vấn đề được xác định một  cách chuyên nghiệp, sẽ có các thảo luận tốt hơn.

"Tôi mong rằng, các DN sẽ cập nhật những nguyên tắc, thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới để xây dựng DN, xây dựng TTCK mạnh hơn"

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Để gia nhập và hòa hợp được với nền kinh tế toàn cầu thì Việt Nam đã từng bước tham gia vào những tổ chức và hiệp ước thương mại quốc tế. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm không đứng ngoài xu thế tất yếu, thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn nước ngoài hữu hiệu cũng cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất để hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế. Để kênh huy động vốn này phát huy hết hiệu quả thì phải đạt được mục tiêu nòng cốt là nâng cao chất lượng doanh nghiệp, thông qua nâng cao chất lượng quản trị công ty nói chung và đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐQT nói riêng.

Quản trị công ty ở Việt Nam hiện không còn là vấn đề quá mới đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên, mức độ nhận thức cũng như áp dụng các thông lệ tốt liên quan đến quản trị công ty vẫn còn hạn chế. Cụ thể là theo báo cáo thẻ điểm Quản trị công ty của ADB thì cơ chế thù lao, lương thưởng tại các doanh nghiệp hiện nay còn nhiều yếu kém.

Tôi mong rằng, các doanh nghiệp sẽ cập nhật những nguyên tắc, thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới, học hỏi cách xây dựng cơ chế thù lao, lương thưởng gắn liền với hiệu quả hoạt động của HĐQT, của Ban điều hành và tất cả các nhân sự, để nâng dần chất lượng quản trị doanh nghiệp, xây dựng nên những doanh nghiệp Việt Nam minh bạch, có khát vọng và có tầm nhìn để bước vào hội nhập sâu hơn.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục