Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại trong tháng 8

0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Trung Quốc đã hồi phục ấn tượng sau khi sụt giảm do đại dịch COVID-19, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng thời gian gần đây có dấu hiệu chậm lại do các đợt bùng phát mới.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN). Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN).

Các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nói chung trong tháng 8 này đã phải chịu nhiều sức ép, khi hoạt động sản xuất tại các nhà máy tăng trưởng chậm trong khi lĩnh vực dịch vụ rơi vào tăng trưởng âm, chủ yếu do các biện pháp hạn chế được áp dụng để chống dịch COVID-19 và giá nguyên vật liệu thô tăng cao.

Kinh tế Trung Quốc đã hồi phục ấn tượng sau khi sụt giảm do đại dịch COVID-19, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng thời gian gần đây có dấu hiệu chậm lại do các đợt bùng phát mới của dịch COVID-19 trong nước, xuất khẩu tăng chậm, các biện pháp chặt chẽ hơn kiềm soát giá bất động sản nóng cũng như kế hoạch cắt giảm phát thải carbon.

Theo số liệu được Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/8, chỉ số quản lí mua hàng sản xuất (PMI) chính thức trong tháng 8 là 50,1 - giảm nhẹ so với mức 50,4 của tháng 7 (50 điểm là ngưỡng chia tăng trưởng dương và âm). Chỉ số PMI tổng hợp chính thức, gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, trong tháng 8 đã giảm xuống còn 48,9 từ mức 52,4 của tháng 7.

Theo chuyên gia kinh tế Evans-Pritchard thuộc Capital Economics, số liệu khảo sát mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm trong tháng 8 trong bối cảnh hoạt động dịch vụ chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Ngành sản xuất cũng tiếp tục giảm sút do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng nghiêm trọng hơn cũng như cầu giảm.

Ông Evans-Pritchard nhận định mặc dù có thể đảo ngược hầu hết điểm yếu này khi những biện pháp hạn chế để chống dịch được dỡ bỏ, song điều kiện tín dụng thắt chặt và mức cầu nước ngoài yếu sẽ tiếp tục tác động lên kinh tế Trung Quốc.

Một dấu hiệu đáng lo ngại về sự hồi phục tiêu dùng chậm của Trung Quốc, một chỉ số hoạt động của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 8 đã rơi xuống mức tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cao điểm đại dịch hồi tháng 2/2020.

Theo NBS, chỉ số PMI phi sản xuất chính thức trong tháng 8 là 47,5, giảm mạnh từ mức 53,3 của tháng 7. NBS thừa nhận đại dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh và địa phương trên cả nước là cú sốc tương đối lớn đối với ngành dịch vụ, vốn vẫn đang trong quá trình hồi phục. Các ngành dịch vụ ăn uống, vận chuyển, chỗ ở và giải trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 3 vừa qua.

Đến nay các điểm bùng phát dịch bệnh mới nhất ở Trung Quốc dường như phần lớn đã được kiểm soát, theo đó không có ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng được ghi nhận trong ngày 30/8, ngày thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, nhà chức trách phải áp đặt nhiều biện pháp chống dịch trên cả nước, như xét nghiệm hàng loạt đối với hàng triệu người cũng như hạn chế đi lại ở nhiều mức độ và đóng cửa các cảng biển.

Chỉ số PMI sản xuất cho thấy mức cầu giảm mạnh, theo đó chỉ số các đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm xuống còn 46,7, mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Nhiều nhà máy cho công nhân nghỉ việc với tốc độ tương tự tháng 7.

Giá nguyên vật liệu thô, đặc biệt là kim loại và chất bán dẫn, tăng cao cũng tạo áp lực. Doanh thu của các công ty công nghiệp trong tháng 7 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp.

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã quyết định nới lỏng quy định về lượng tiền mặt các ngân hàng thương mại phải duy trì vào giữa tháng 7, qua đó giải phóng lượng thanh khoản dài hạn lên tới 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 154 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Nhiều nhà phân tích nhận định ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục