Toàn cảnh "siêu dự án" đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội gần 86.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điểm mới của siêu dự án là đã tách riêng khâu giải phóng mặt bằng để triển khai độc lập giữa các địa phương, bằng hình thức đầu tư công.
Mô phỏng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội Mô phỏng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội

Sáng nay (6/6), Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư trước Quốc hội. Sau đó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra về Tờ trình của Chính phủ.

Quy mô "siêu dự án"

- Tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long).

- Chia làm 07 dự án thành phần, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027.

- Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha; trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp.

- Được quy hoạch thành 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Quá trình giải phóng mặt bằng có giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.

- Đi qua các địa phận: TP Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).

- Tổng mức đầu tư: Giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1): 85.813 tỷ đồng; trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.

- Hình thức đầu tư: Đầu tư công kết hợp đối tác công tư (PPP). Trong đó, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Riêng dự án thành phần 3: đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) do UBND Thành phố Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không tính chi phí GPMB trong tổng mức đầu tư dự án thành phần.

- Kinh phí đầu tư: Ngân sách Trung ương: 173 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 28.193 tỷ đồng; vốn BOT của các nhà đầu tư: 29.447 tỷ đồng.

- Đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt:

+ Nguồn vốn đầu tư: Cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư; cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

+ Tổ chức thực hiện:

(1) Chính phủ đề nghị cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết, cấp bách trong khoảng thời gian giữa các kỳ họp của Quốc hội

(2) Cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

(3) Chính phủ cũng đề nghị chia Dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

(4) Cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc đầu tư dự án góp phần tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân; giảm thiểu tác động môi trường về khí thải, bụi, tiếng ồn... củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ tốt cho chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao tính cơ động, phương án tác chiến đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia.

Tháo gỡ "nút thắt" giải phóng mặt bằng

Thảo luận tại tổ về dự án Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1) vào sáng nay (6/6), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án này.

"Dự án Vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020", ông Dũng nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng (bên phải) thảo luận tại tổ sáng 6/6 (ảnh: M.M)

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng (bên phải) thảo luận tại tổ sáng 6/6 (ảnh: M.M)

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc phân chia Dự án thành 7 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công là hợp lý.

“Giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý.

Việc triển khai thực hiện Dự án Vành đai 4 không chỉ giúp kết nối hạ tầng giao thông trong Vùng Thủ đô mà còn góp phần giải quyết những bất cập về giao thông, bảo vệ các di sản văn hóa, giải quyết cả những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài mà Thủ đô gặp phải

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, trong đó thành phố Hà Nội 741 ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường”, ông Dũng thông tin.

Đối với đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu và cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... (Mục 2 và 4 ở trên), dẫn ý kiến của Ủy ban Kinh tế rằng hai cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong hai năm 2022 và 2023, Bí thư Hà Nội cho rằng không phù hợp về mặt thời gian.

Bởi vì, hiện đã qua 6 tháng đầu năm 2022 rồi Quốc hội mới thảo luận để thông qua. “Việc áp dụng Nghị quyết 43 vào dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là không phù hợp", ông Dũng nói.

Về tiến độ dự án, ông Dũng cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai.

“Vành đai 4 là dự án chiến lược, mang đến động lực vô cùng mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế Bắc Bộ, vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng. Với Vành đai 4, vùng Thủ đô với Hà Nội là hạt nhân trung tâm sẽ hoàn toàn chủ động điều tiết được giao thông liên vùng trong nhiều tình huống bất ngờ.

Quốc hội cũng như Chính phủ đang có những quyết sách mạnh mẽ, đúng hướng, góp phần thúc đẩy tiến độ dự án ngay từ khâu thủ tục. Tôi tin dự án sẽ sớm được khởi công và về đích đúng hẹn".

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục