Vụ án được đưa ra xét xử ngày 8/10, HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài. Sáng 10/10, bản án sơ thẩm đã được công bố.
Theo bản án, Posco VST là nhà cung cấp thép không gỉ cho Tập đoàn Thành Nam. Hai bên đều thừa nhận ký kết nhiều hợp đồng từ năm 2006 đến 2013. Chỉ tính riêng khoản thời gian từ 2010 đến 2013 số lượng hóa hóa giao dịch giữa hai bên đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Quy trình thực hiện hợp đồng gồm ký hợp đồng; thanh toán tiền đặt cọ 10% giá trị hợp đồng; sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng; Thành Nam gửi yêu cầu lấy hàng, xuất hóa đơn VAT; mở thư bảo lãnh; giao hàng.
Về thanh toán, nếu có bảo lãnh, ngân hàng thanh toán tiền hàng cho Posco VST. Nếu không có bảo lãnh hoặc bảo lãnh đã quá hạn thì Thành Nam thực hiện việc thanh toán.
Đến giữa năm 2013, hai bên đối chiếu công nợ và có biên bản xác nhận Thành Nam còn nợ Posco VST 58 tỷ đồng. Quá trình làm việc, giữa hai bên có nhiều văn bản, công văn ghi nhận khoản nợ này. Theo Posco VST, sau này Thành Nam không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Posco VST đã khởi kiện.
Tại phiên tòa, hai bên có quan điểm khác nhau về việc xuất hóa đơn, thanh toán, giao nhận hàng hóa thực tế.
Phía Posco VST cho rằng lượng hàng hóa giao dịch rất lớn và rất nhiều lần trong nhiều năm. Có trường hợp do chậm lấy hàng dẫn đến bảo lãnh quá hạn, Thành Nam thanh toán sau dẫn đến việc xác định khoản nợ theo phương thức cộng dồn và thực tế Thành Nam cũng thanh toán theo phương thức này. Khi đối chiếu công nợ, hai bên đã xác định phần hàng hóa không lấy hoặc trả lại thì Thành Nam đã xuất hóa đơn trả lại nên chỉ còn tồn tại khoản nợ của số hàng đã lấy mà chưa thanh toán.
Phía Thành Nam cho rằng công ty thanh toán đầy đủ trước khi nhận hàng. Số hóa đơn là cho toàn bộ lô hàng mà không phải số hàng hóa đã thực giao. Posco VST do sức ép doanh số mà xuất hóa đơn với số lượng hàng rất lớn không phản ánh thực tế giao nhận hàng hóa giữa hai bên. Văn bản xác nhận công nợ chỉ để xác định trách nhiệm nhằm tiếp tục lấy hàng. Nguyên đơn muốn đòi nợ phải xuất trình toàn bộ chứng từ giao hàng.
Bản án nhận định, theo quy định của Luật kế toán và các quy định của pháp luật khác, hoá đơn được xuất kèm theo hàng hoá khi giao nhận. Nếu không lấy hàng, không giao hàng… các bên có nghĩa vụ xuất trả hoá đơn hoặc trường hợp xuất dư hoặc sai hỏng các bên phải cùng nhau lập biên bản huỷ hoá đơn.
Tập đoàn Thành Nam chỉ xuất hoá đơn trả lại hàng kèm theo biên bản trả hàng. Như vậy không có cơ sở cho rằng tồn tại một số hoá đơn xuất khống mà Thành Nam chưa nhận hàng.
Về các văn bản đối chiếu chốt công nợ, hai bên đã có quá trình đối chiếu công nợ nhiều lần để đi đến con số thống nhất. Việc đối chiếu được thực hiện thông qua các bước của bộ phận kế toán hai bên, đối chiếu công nợ giữa kế toán trưởng, sau đó mới đến sự xác nhận khoản nợ của người đại diện theo pháp luật Công ty Thành Nam là ông Nguyễn Hùng Cường.
Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai các đương sự, Tòa thấy rằng hai bên đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa, việc thanh toán được thực hiện ngay khi lấy hàng hoặc sau khi đã nhận hàng. Các bên sau nhiều đợt giao hàng, thanh toán mới đối chiếu công nợ, thực tế có sự giao hàng trước thanh toán sau được thể hiện trong các văn bản đối chiếu và xác nhận nợ.
Tòa cho rằng có đủ căn cứ khẳng định Tập đoàn Thành Nam còn tồn tại khoản nợ tiền mua hàng hoá với nguyên đơn và việc nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn thanh toán số tiền hàng còn nợ là 58 tỷ đồng là có căn cứ như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà.
Từ đó, Tòa tuyên buộc Tập đoàn Thành Nam phải thanh toán cho Posco VST số tiền 58 tỷ đồng và phạt chậm trả, áp dụng lãi suất nợ quá hạn là 15%/năm, số tiền 42 tỷ đồng.
Tổng cộng Tập đoàn Thành Nam phải thanh toán cho Posco VST là 100 tỷ đồng.
Theo quy định tố tụng dân sự, các bên đương sự có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày nhận được bản án (nếu xét xử vắng mặt).