Phiên tòa thu hút sự tham dự của rất nhiều cơ quan báo chí.
Được biết, vụ việc kéo dài 4 năm, từng được giải quyết sơ thẩm một lần với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Cấp phúc thẩm, sau đó, đã hủy bỏ quyết định này, cho rằng thời hiệu khởi kiện của vụ án vẫn còn khi hai bên có biên bản xác nhận công nợ vào năm 2015.
Do tính chất phức tạp của vụ án, xét thấy cần thiết, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã rút hồ sơ vụ án để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Vụ án khiến dư luận quan tâm bởi tranh chấp mua bán hàng hóa này đã bị kéo dài nhiều năm và phải chuyển về Tòa án cấp tỉnh giải quyết thay vì Tòa án cấp huyện như quy định.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết vụ việc, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, luật sư hai bên đương sự thay nhau xin hoãn tòa cho tới phiên xử ngày hôm nay (8/10).
Được biết, Công ty Thành Nam là nhà cung cấp thép lớn tại Việt Nam. Thành Nam có nhiều giao dịch mua bán hàng hóa với Posco VST. Từ 2010 đến 2013, hai bên đã ký kết rất nhiều hợp đồng mua bán mặt hàng thép không gỉ.
Đến cuối năm 2013, hai bên có vướng mắc về việc xác nhận nợ dẫn đến Posco VST khởi kiện đòi hơn 58 tỷ đồng.
Theo nguyên đơn Posco VST, nguồn gốc khoản công nợ trên xuất phát từ hoạt động mua bán hàng hóa trong thời gian từ 2010 đến 2013 giữa Thành Nam và Posco VST. Quá trình mua bán, các bên thực hiện thanh toán theo phương thức cộng dồn, sau một thời gian, hai bên tiến hành đối chiếu và xác nhận giá trị công nợ.
Ngày 3/6/2013, hai bên đã có biên bản đối chiếu công nợ. Đến ngày 27/11/2013, kế toán trưởng hai bên có buổi làm việc, thống nhất và xác nhận công nợ thể hiện tổng số tiền Tập đoàn Thành Nam còn phải trả cho Posco VST là 58 tỷ đồng.
Phía Công ty Thành Nam cho rằng theo quy trình mua bán hàng hóa giữa các bên thì Posco VST sẽ xuất hóa đơn trước rồi mới giao hàng sau. Vì thế, biên bản đối chiếu công nợ được ký bởi kế toán trưởng của hai công ty vào ngày 27/11/2013 đã được ghi rõ là “nợ theo hóa đơn bán hàng” và “hai bên tiếp tục làm rõ số liệu trên”. Tức là số nợ 58 tỷ đồng được ghi nhận trên các hóa đơn mà phía Posco VST đã xuất, không dựa trên số lượng hàng hóa giao nhận thực tế.
Theo Công ty Thành Nam, Công ty chưa nhận được hàng hóa nên không thể có công nợ thực tế. Bản chất là hai bên chưa xác định được một cách chính xác qua một lần đối chiếu công nợ nên mới phải ghi rõ “hai bên tiếp tục phải làm rõ số liệu”.