Theo phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP HCM đang được lấy ý kiến người dân và chuyên gia, các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông... (quay mặt ra đường Lý Tự Trọng) sẽ được xây mới cao hơn, kết nối với toà nhà UBND hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới.
Như vậy, toà nhà số 59-61 Lý Tự Trọng (Sở Thông tin và Truyền thông) - công trình được được đánh giá có lịch sử lâu đời thứ hai của vùng đất Sài Gòn (chỉ sau căn nhà của Giám mục Bá Đa Lộc xây năm 1790 đang được bảo quan trong khuôn viên Tòa Tổng giám mục Sài Gòn) có nguy cơ bị đập bỏ.
Công trình do người Pháp xây vào những năm 1860, trước đây là Nha giám đốc Nội vụ (người dân gọi là Dinh Thượng thơ), có vai trò điều hành trực tiếp về các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Về mặt chính quyền lúc bấy giờ, toà nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).
Đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Văn phòng Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (213 Đồng Khởi). Vào đầu thế kỷ 20, toà nhà còn có tên là Văn phòng Chính phủ.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, một giai đoạn ngắn nơi này được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tòa nhà từng xuất hiện trong phim Người Mỹ thầm lặng (năm 1958).
Công trình được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình này đã gần 160 tuổi.
Toà nhà hồi đầu thế kỷ 19.
Trước việc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP HCM cho rằng, toà nhà 59-61 Lý Tự Trọng không thuộc "công trình bảo tồn" nên phương án thiết kế không giữ lại phần này, giới kiến trúc sư không đồng tình. Bởi giá trị bảo tồn công trình cổ nằm ở chỗ giữ nguyên vẹn cả kiến trúc lẫn không gian đô thị xung quanh.
Trong vòng bán kính 500-1.000 m tính từ vị trí xây khu hành chính mới được xem là vùng lõi, đang có nhiều công trình kiến trúc đều trên 100 năm, trở thành biểu tượng của TP HCM như: Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Nhà hát Thành phố, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành...
"Phương án tốt nhất là không phá bỏ các công trình cũ, nhất là dinh Thượng Thơ và cả trụ sở Sở Giao thông Vận tải (vốn là trụ sở Bộ Quốc phòng của chế độ Sài Gòn). Những công trình này đã tạo ra một điểm vàng về kiến trúc tương đối ổn định", KTS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM nói.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, nếu thành phố phá bỏ Dinh Thượng thơ sẽ là điều "vô cùng đáng tiếc".
"Thành phố phải làm gương trong việc bảo tồn di sản, nếu không đừng mong nhà đầu tư sẽ bảo tồn. Giá trị của tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng thì không cần phải bàn cãi nữa, bởi nó là công trình lịch sử lâu đời của thành phố, hoàn toàn có thể bảo tồn và bố trí chức năng phù hợp", ông Sơn nói.
Một phần tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Hữu Nguyên.
Trong khi đó, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu phản bác các ý kiến đánh giá công trình này không có gì đặc sắc để bảo tồn, hoặc quan niệm "công trình cổ phải nhường chỗ cho phát triển". Theo bà, những quan điểm trên là sự báo trước một ngày không xa thành phố sẽ không còn dấu vết lịch sử, văn hóa của Sài Gòn mấy trăm năm.
"Muốn giữ gìn đặc trưng văn hóa Sài Gòn - TP HCM cần phải bảo tồn, tôn tạo những công trình và cảnh quan quan trọng vùng ký ức. Ngược lại, hủy hoại hay làm biến dạng chúng sẽ làm tổn thương và xóa bỏ hồn đô thị", TS Hậu phân tích.
Không chỉ các chuyên gia mong muốn bảo tồn tòa nhà di sản của Sài Gòn, hồi tháng 10/2015, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông khi đó là ông Lê Thái Hỷ cũng từng có văn bản gửi UBND thành phố khẳng định công năng sử dụng của tòa nhà vẫn còn tốt, kiến nghị bảo tồn nguyên trạng kiến trúc và vị trí tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng.
Ông Hỷ đề xuất sau khi bảo tồn có thể bố trí sử dụng làm trụ sở tiếp khách quốc tế hoặc tiếp dân trên địa bàn thành phố. Ông cũng lo ngại nếu dời cả tòa nhà đi vị trí khác thì giá trị bảo tồn sẽ không đảm bảo.