Tọa đàm trực tuyến “Chung sức vượt qua đại dịch”

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến chống đại dịch hơn 2 năm qua đã giành những kết quả đáng ghi nhận, song đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa của toàn hệ thống chính trị.

Sáng nay, 3/3/2022, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chung sức vượt qua đại dịch”, nhằm cùng nhìn lại những nỗ lực vượt khó, sự chung tay của đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, cũng như nhìn nhận những diễn biến mới, những điểm cần tập trung, nỗ lực để chiến thắng đại dịch trong thời gian tới.

Tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến có các vị khách mời:

TS.BS.Trần Viết Lực, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương;

PGS.TS.Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm A9, Bệnh viện Bạch Mai;

Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Ngũ Phúc Đường;

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải.

Chương trình được phát trực tiếp trên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn và fanpage chính thức của Báo điện tử Đầu tư, bắt đầu từ 9h15 sáng 3/3/2022, trân trọng kính mời quý độc giả, khán thính giả cùng theo dõi.

Tọa đàm trực tuyến “Chung sức vượt qua đại dịch”

Hơn 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người Việt Nam đã, đang và sẽ được phát huy bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là các lực lượng tuyến đầu, các y bác sĩ, cộng đồng doanh nghiệp.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Chung sức vượt qua đại dịch".
Các diễn giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Chung sức vượt qua đại dịch".

Tại những điểm nóng của dịch Covid-19, những chiến sĩ áo trắng tỏa đi muôn nơi, hiện diện ở mọi chiến tuyến, đâu cần là ở đó có đội ngũ y tế, từ các chốt kiểm dịch y tế, đội điều tra truy vết; từ các bệnh viện, khu cách ly tập trung, đến phòng xét nghiệm, cơ sở điều trị những người bệnh Covid-19. Đội ngũ chiến sĩ áo trắng đã viết nên trang sử mới của ngành Y với những câu chuyện xúc động không thể nào quên.

Những con người ấy đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào, đồng chí, nhất là trong giai đoạn đầu khi thiết bị y tế thiếu thốn.

Bên cạnh đó, trong cuộc chiến cam go và thử thách chống Covid-19, những doanh nghiệp, dù đang chống chọi với khó khăn do dịch bệnh gây ra song vẫn trích một phần kinh phí để ủng hộ chống dịch.

Nhiều cán bộ, nhân viên, công chức thuộc các khối cơ quan nhà nước dù đời sống còn khó khăn cũng sẵn sàng ủng hộ ngày lương; kiều bào ta ở nước ngoài bằng nhiều hình thức đã chuyển những đóng góp của mình tới đồng bào trong nước.

Tinh thần đoàn kết vượt qua đại dịch còn được thể hiện bằng những chuyến xe nghĩa tình chở lương thực thực phẩm tới các điểm nóng của dịch bệnh.

Đó còn là những giọt mồ hôi lăn dài trên trán của các tình nguyện viên đi khắp phố phường vận chuyển thức ăn, nước uống, hay bình ô-xy mỗi khi có bệnh nhân trở nặng chưa kịp nhập viện.

Tất cả những tấm lòng thảo thơm, nghĩa cử đẹp ấy đã minh chứng cho truyền thống đoàn kết, đồng lòng, tình nghĩa từ ngàn đời của người Việt..

Nhớ lại những câu chuyện nhường cơm sẻ áo trong cao điểm dịch Covid-19, bất kỳ người Việt Nam nào cũng tự hào về một xã hội ấm áp tình người. Một trong những biểu tượng cao đẹp nhất cho tinh thần đoàn kết của dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là việc thành lập Quỹ Vắc-xin với sự tham gia nhiệt thành của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, cuộc chiến chống đại dịch hơn 2 năm qua đã giành được những kết quả đáng ghi nhận, song đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng.

Chúng ta luôn tin tưởng rằng dịch bệnh Covid-19 dù khắc nghiệt, mang tới nhiều mất mát, đau thương, song dịch bệnh xảy đến cũng là một phép thử của lòng người và cũng là một phép thử đối với bản lĩnh, phẩm chất, tinh thần đoàn kết của cả một quốc gia, dân tộc.

D.Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục