Khi người ta nói về tình yêu Tổ quốc thông qua bóng đá, có một số người lại cười khẩy nói rằng, bóng đá Việt Nam có gì mà phải yêu đến thế, đá là phải đá như Pháp, Anh, Brazil…, rồi bóng đá chỉ là một môn thể thao, còn yêu nước phải là những gì hệ trọng hơn. Việc này xin bàn sau khi có thời gian rảnh.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, yêu nước thuộc về quyền của mọi con người ở mọi vị trí trong xã hội. Làm sao lại có thể nói một ông tổng thống yêu nước hơn một người nông dân. Làm sao có thể nói yêu nước chỉ thể hiện ở một quảng trường, phải lái tàu vũ trụ, chứ không phải ở một sân cỏ, thậm chí ở một góc bếp nghèo của một người dân tận rừng sâu, núi cao ngày ngày gieo từng hạt ngô, cấy từng dảnh lúa.
Mỗi cử chỉ, cho dù rất nhỏ và ở một nơi chốn rất hẹp, cũng đủ cho ta nhìn thấy tình yêu đất nước, lòng kiêu hãnh dân tộc và ý chí dân tộc. Đợi đội tuyển vô địch thế giới mới yêu, đợi đất nước trở thành cường quốc số 1 mới yêu, thì chỉ là những kẻ lợi dụng và yêu cái thân xác mình mà thôi.
Và lúc này, tôi nhớ đến câu chuyện của một trận đấu bóng diễn ra trên đất Trung Quốc cách đây rất lâu rồi. Câu chuyện về trận đấu này tôi nghe từ cựu danh thủ đội Thể Công Vũ Mạnh Hải. Lần đó, đội Thể Công được mời sang thi đấu với đội Bát Nhất. Đội Bát Nhất là đội bóng của một đất nước lúc đó đã ngót 700-800 triệu dân. Chúng ta có thể coi đội Thể Công là đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội Bát Nhất là đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Nói cách khác, đội Thể Công là đại diện cho bóng đá Việt Nam, cho đất nước Việt Nam.
Những cầu thủ Thể Công nhỏ bé và như bị nhấn chìm bởi các cổ động viên Trung Quốc quây kín sân vận động. Cổ động viên phía Việt Nam chỉ vỏn vẹn một số người trong Ban chỉ đạo, hậu cần và cầu thủ dự bị của đội Thể Công, một vài cán bộ sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và một số sinh viên Việt Nam du học.
Tiếng còi khai trận cất lên. Cơn lốc mang tên Việt Nam đã nổi lên và cuốn đội Bát Nhất. Khi kết thúc hiệp 1, đội Thể Công đã xé lưới đội Bát Nhất với hai bàn. Sang hiệp 2, cơn lốc Thể Công - Việt Nam tiếp tùng bùng lên, cuốn phăng đội Bát Nhất - Trung Quốc. Lưới của đội Bát Nhất lại bị xé toang thêm 2 lần nữa trước khi đội Bát Nhất ghi được chỉ 1 bàn danh dự.
Trận đấu đó cho thấy, địa lý và dân số cũng như dự trữ quốc gia không chứng minh gì được cho tinh thần quật khởi của một dân tộc. Tinh thần của một dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của mình mới là kho dự trữ khổng lồ nhất.
Bước ra sân sau mỗi trận bóng, chúng ta có thể giành chiến thắng và có thể không, đó là điều tất yếu của môn thể thao này. Trong một trận đấu cụ thể, chúng ta có thể thua về kỹ thuật, về sức lực, về đấu pháp…, nhưng chúng ta không được phép để tinh thần gục ngã trước mọi đối thủ. Đấy cũng chính là điều mà có nhiều quốc gia vẫn tự hào về đội tuyển của họ, cho dù đội tuyển đó không đi đến chiến thắng cuối cùng.
Hãy cứ bước ra sân đấu với đôi mắt mở to của niềm tin, với nụ cười rạng rỡ của kiêu hãnh và với một tinh thần bất khuất có tự muôn đời của dân tộc, để nói cho những ai còn đang sợ hãi lấp trong bóng tối hoặc trà trộn trong chính ánh sáng về những điều giản dị nhưng lớn lao.
Sau này, có người hỏi tôi rằng, nếu không có những chất “xúc tác” bóng đá, đặc biệt là những trận đấu giàu cảm xúc như trận Thể Công gặp Bát Nhất năm xưa và gần đây, trận bán kết và chung kết của U23 Việt Nam tại Thường Châu, trận tranh chức vô địch AFF Cup 2019…, thì mỗi người chúng ta còn không nhớ ra rằng, hình như họ là những người mà chỉ cần hai tiếng Việt Nam vang lên là huyết quản lại trở nên sục sôi dòng máu Lạc Hồng.
Xin thưa rằng, để khích lệ lòng yêu nước, để gợi mở tâm hồn con người về Tổ quốc, nhiều khi lại là những câu chuyện chẳng hề to tát như hương vị một món ăn truyền thống, một trận bóng đá của đội tuyển, một giọng nói Việt vang lên ở xứ người…
Quả thực, đời sống đương đại với nhịp độ mỗi ngày một tăng lên, cuốn con người rời xa những điều giản dị của đời sống. Những trận bóng đá kể trên không còn là bóng đá nữa. Lúc đó, lòng kiêu hãnh và tự tôn dân tộc xuất hiện và dâng lên. Chúng ta phải đặt một câu hỏi: vì sao bao nhiêu điều tưởng chừng to tát lại không làm trái tim con người rung lên. Tổ quốc chẳng bao giờ mất đi trong thẳm sâu trái tim mỗi người, dù họ làm gì hay sống ở đâu, mà chỉ chìm lắng đâu đó, đợi một ngày hiện ra thật lộng lẫy.
Khi vận mệnh của Tổ quốc, khi niềm kiêu hãnh về Tổ quốc được đặt trước mỗi con người, thì lúc đó chúng ta mới hiểu tình yêu tổ quốc trong mỗi con người bình dị, thậm chí là vô danh lớn đến nhường nào. Bóng đá, đại dịch Covid-19, một sinh viên nhận học bổng toàn phần từ những trường đại học danh tiếng trên thế giới hay bất cứ câu chuyện, sự kiện nào gắn với Tổ quốc, cũng chỉ là một cơ hội minh chứng tình yêu tổ quốc và bản lĩnh người Việt Nam mà thôi.
Tất cả những điều ấy mách cho chúng một bí mật rằng, chỉ cần làm cho hai tiếng Tổ quốc được vang lên giản dị nhất là chúng ta nhận được sức mạnh kỳ diệu nhất từ nhân dân của mình.