Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3/2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra tại Bộ Tư pháp cho thấy Bộ đã gương mẫu, đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm và đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, không có nhiệm vụ quá hạn nợ đọng.
Từ ngày 01/01/2017 đến 15/3/2018, có tổng số 434 nhiệm vụ giao Bộ Tư pháp. Trong đó, đã hoàn thành 378 nhiệm vụ (đúng hạn: 371; quá hạn: 07); 56 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn.
Bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần chỉ đạo, điều hành để có chương trình, kế hoạch hành động thực hiện cụ thể trước mắt và lâu dài, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, nhất là đã bản lĩnh, tiên phong trong công tác xây dựng thể chế.
Đặc biệt, Bộ rất chủ động, khẩn trương trong việc đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, quy hoạch nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tích cực trong việc giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, nhất là các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Thủ tục hành chính của Bộ được cải tiến và đơn giản hóa rất nhiều theo hướng tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số mặt công tác của Bộ còn hạn chế, bất cập, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm, khắc phục.
Cụ thể là cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo cán bộ kế cận; số lượng án dân sự tồn đọng chưa được thi hành còn nhiều; chưa có phản ứng kịp thời đối với một số vụ kiện, tranh chấp quốc tế; còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật; công tác củng cố hệ thống tư pháp địa phương chưa đạt hiệu quả cao; công tác quản lý luật sư ở một số địa phương còn bị buông lỏng...
Theo kết quả rà soát, đến nay Bộ Tư pháp có 98 ĐKKD, được quy định trong 6 luật và 4 nghị định.
Trong tổng số 98 ĐKKD hiện nay của Bộ, có nhiều ĐKKD quy định chung chung, chồng chéo, khó hiểu, không lượng hóa được, dễ tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực, cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ.
Tổ công tác của Thủ tướng nêu các ví dụ như quy định “Có sức khỏe”; “Có phẩm chất đạo đức tốt”; “Có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan”; “Có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”; “Có sức khỏe bảo đảm hành nghề công chứng;
“Cam kết và bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. “Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế”; “trụ sở Văn phòng phải có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện cần thiết khác”…
Bộ Tư pháp đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 43 ĐKKD, đạt 44% trong tổng số 98 ĐKKD hiện nay của Bộ.
Còn kết quả kiểm tra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong tổng số 684 nhiệm vụ được giao, Bộ đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (đúng hạn: 474; quá hạn: 51); 159 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện trong hạn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, tận tụy và nhiều nỗ lực trong tiếp cận xu thế mới của khu vực và thế giới để hội nhập và cải cách mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị trực thuộc Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ cần rà soát lại một số vấn đề còn bất cập, như tổ hợp xét tuyển sinh của một số trường đại học; biên chế giáo viên; phẩm chất, đạo đức nhà giáo; tình trạng xúc phạm danh dự, hành hung giáo viên, bạo lực học đường; việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư; đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở vật chất hai đại học quốc gia, đại học vùng; công tác cải cách hành chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có 241 ĐKKD thuộc 09 nhóm ngành, nghề, được quy định ở 2 Nghị định. Năm 2017, với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Bộ đã cắt giảm được 29 điều kiện, đơn giản hóa được 22 điều kiện. Đến nay, Bộ còn 212 ĐKKD.
Trong tổng số 212 ĐKKD hiện nay của Bộ, có nhiều ĐKKD quy định không cần thiết, bất cập, chồng chéo, khó hiểu, không cụ thể cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ.
Cụ thể như: “Có quyết định được thành lập hoặc cho phép được thành lập”; “quy định về diện tích sàn xây dựng” khi thành lập trường (quy định này đã có trong quy định về cơ sở vật chất), “có đủ nguồn lực tài chính theo quy định”, “ có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường”,
“có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị” (quy định này đã quy định trong điều kiện thành lập trường”), “các điều kiện khác”, “không bị dột nát”; có điều kiện thành lập trùng lặp với điều kiện hoạt động...
Bộ đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 91/212 điều kiện, đạt 42,9%.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại các Bộ, cơ quan, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ được kiểm tra trong tháng 3 và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai một số nhiệm vụ cụ thể.