Ở nhiều công ty, nhân viên thường mang nét mặt căng thẳng khi nhắc đến chủ đề này, nhưng ở Tân Việt lại rất khác. Ông Thành cho biết, các cuộc họp ở Tân Việt thường không một lời mắng mỏ, khiển trách, ít có sự áp đặt chỉ đạo, mà cả công ty như một cỗ máy tự động, các bộ phận có không gian để phát triển, sáng tạo, chủ động kiếm tìm giải pháp, tự quản lý… Nghe thật khó tin, nhưng thường những bộ phận đó lại đạt hiệu quả cao, đạt KPI cao.
Tháng 12 này, Tân Việt bước sang tuổi 14, thị trường ấn tượng với một công ty chứng khoán 10 năm không lỗ. Còn với Tân Việt, hành trình đã qua đọng lại điều nào đáng lưu tâm?
Thị trường có lúc thăng, lúc trầm, song Công ty vẫn giữ triết lý tăng trưởng bền vững, chú trọng hiệu quả hoạt động chứ không đánh đổi sự hào nhoáng hay tham gia các cuộc đua.
Chúng tôi đều coi Tân Việt như ngôi nhà thứ hai của mình, chăm chút và giữ gìn để nó trở thành ngôi nhà hạnh phúc bằng cách chăm chỉ làm việc với thái độ cầu thị, cẩn trọng, sẵn sàng thích nghi với sự vận động và thay đổi của môi trường kinh doanh để tạo ra những giá trị bền vững cho doanh nghiệp, khách hàng, cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp.
Ðiều chúng tôi cảm thấy tự hào nhất ở Tân Việt không phải là những con số tăng trưởng doanh thu hay lợi nhuận mà là đội ngũ nhân sự trưởng thành, gắn bó với doanh nghiệp, cùng có ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Ðó là sự chủ động, sáng tạo trong công việc, luôn mong muốn phát triển bản thân và tìm kiếm các cơ hội vượt qua giới hạn của chính mình.
Nhiều thành viên sáng lập của Tân Việt có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin. Phải chăng hiệu quả, chắc chắn, bài bản chính là “hệ gen” ở đây?
ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt.
Khẩu vị quản trị rủi ro ở Tân Việt khá cao, có lẽ do xuất phát điểm, đa phần các thành viên sáng lập từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Từ các quy trình vận hành, cho vay, lọc danh mục hàng hóa, đến quản trị hệ thống... đều được làm một cách bài bản, tính toán cẩn trọng, và lấy yêu cầu “làm chắc” lên đầu.
Bên cạnh bộ lọc đó, TVSI còn rất chú trọng tới tính linh hoạt, đáp ứng tối đa nhu cầu riêng biệt của các khách hàng với các khẩu vị đầu tư khác nhau.
Tập trung cho kênh bán lẻ, song hành cùng khách hàng, có nhiều thời điểm chúng tôi khuyến nghị khách hàng tạm đứng ngoài quan sát, không vì doanh thu của Công ty mà tư vấn khách mạnh tay đầu tư. Bởi vậy, TVSI được khá nhiều khách hàng tin tưởng và đồng hành.
Vào những năm 2007 - 2008, khi Tân Việt bỏ ra hàng triệu USD đầu tư cho hệ thống giao dịch với công nghệ hiện đại, đã tạo tiếng vang trên thị trường. Cho đến thời điểm này, sức mạnh công nghệ của TVSI có gì thay đổi?
Hệ thống công nghệ vốn là thế mạnh của TVSI. Năm 2006, TVSI là công ty tiên phong đầu tư core nước ngoài.
Sự ra đời của hệ thống các phiên bản iTrade - nền tảng giao dịch trực tuyến đầu tiên trên thị trường lúc bấy giờ đã định vị TVSI là một trong số ít các công ty dẫn đầu về công nghệ giao dịch.
Theo thời gian, đội ngũ chuyên gia công nghệ của Công ty đã trưởng thành, số lượng không nhiều, nhưng đã làm chủ được công nghệ, qua đó không chỉ đáp ứng được, mà còn đi trước, đón đầu xu hướng thị trường.
Hệ thống giao dịch của TVSI cũng đã có sự phát triển vượt bậc so với trước kia. Dù vẫn là core của nước ngoài, nhưng đã có những điểm khác biệt phù hợp với đặc điểm nhà đầu tư và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự thay đổi và liên tục thay đổi của chúng tôi - cũng chính là lực đẩy để đối tác nước ngoài cung cấp core cũng phải thay đổi theo nhằm đáp ứng tối đa sự tiện lợi và hiệu quả cho khách hàng.
Dù thị trường có biến động như thế nào chăng nữa, 4 trụ cột mà Tân Việt luôn quan tâm và chú trọng vẫn bao gồm năng lực tài chính, con người, công nghệ thông tin và chất lượng dịch vụ. Sự thay đổi nào cũng nhằm để 4 trụ cột này tốt hơn lên.
Có vẻ như sức nóng cạnh tranh phả hầm hập sau lưng các công ty chứng khoán khi nhiều tân binh ngoại với tiềm lực tài chính hùng mạnh từ tập đoàn mẹ ở nước ngoài đang dồn lực tạo sức ép cạnh tranh trên cả thị trường. Trong bối cảnh đó, TVSI chọn cách ứng xử thế nào?
Các công ty chứng khoán ngoại không chỉ có sức mạnh tài chính với nguồn vốn tài trợ giá rẻ, mà tôi cho rằng họ còn có khả năng quản trị doanh nghiệp tốt hơn nhiều so với chúng ta. Song, không vì thế mà các công ty chứng khoán Việt e ngại cạnh tranh.
Trái lại, sự cạnh tranh sẽ làm cho tất cả cùng phải nghĩ cách để tiến về phía trước. Họ cũng là cầu nối đưa các dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quan điểm của TVSI là không tham chiến ở những "đại dương đỏ", đang giành giật từng milimet thị phần, mà chúng tôi luôn ý thức tìm kiếm những "đại dương xanh", tạo ra những sản phẩm dịch vụ nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu đầu tư của khách hàng.
Ðơn cử, khi đầu tư chứng khoán cơ sở khó khăn, thì Tân Việt chuyển sang cung cấp các cơ hội và sản phẩm đầu tư khác cho khách hàng.
Trong đó, chúng tôi đa dạng các giải pháp về vốn và các sản phẩm cấu trúc liên quan đến vốn vay phù hợp với những diễn biến mới nhất của thị trường trong từng giai đoạn nhất định.
Khi đó, chúng tôi lại thấy đại dương xanh thông qua mạng lưới rộng khắp của các môi giới chứng khoán giúp kết nối doanh nghiệp với ngân hàng và các nhà đầu tư có tiềm năng trên thị trường.
Không ít khách có nhu cầu đầu tư lớn, nhưng lại không muốn chỉ rót vào chứng khoán cơ sở, hoặc họ bế tắc kênh đầu tư.
Năm 2019, Tân Việt cũng đã gia nhập sân chơi chứng khoán phái sinh, với nhiều hỗ trợ dành cho khách hàng.
Có khi nào các ông tính đến việc ngồi cùng thuyền với nhà đầu tư ngoại hay không, bởi lợi thế của công ty chứng khoán ngoại là hệ thống khách hàng đối tác nước ngoài, trong khi đây đang là "gót chân Asin" của Tân Việt?
Chúng tôi luôn hoan nghênh và mở rộng cửa với các đối tác nước ngoài. Ðó có thể là cổ đông chiến lược nước ngoài. Họ tham gia vào Tân Việt sẽ hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng chúng tôi đang cần là phát triển nhóm khách hàng cá nhân và tổ chức đầu tư nước ngoài.
Cạnh tranh muôn màu, thị trường lại biến động dữ dội, nhiều công ty chứng khoán năm nay sẽ khó có khả năng về đích kế hoạch năm. Với TVSI, thì kết quả kinh doanh 2019 khá ấn tượng. Năm tới, đà tiến này sẽ tiếp tục được duy trì?
Tôi thường không quan tâm đến kết quả từng năm, mà hướng đến mục tiêu dài hơi hơn là 5 năm chẳng hạn.
Ðiều chúng tôi mong muốn là đi theo đúng xu hướng và trung bình thị trường xấu thì mình vẫn có tăng trưởng. Ðó thực sự là thách thức lớn nhưng làm được là sẽ vượt lên được chính mình
Ðiều quan trọng đối với doanh nghiệp là xây dựng được đội ngũ lãnh đạo các bộ phận biết trăn trở, nghĩ xa hơn và mơ ước, khát khao làm được những điều lớn lao hơn.
Muốn vậy, nhiệm vụ của những người chèo lái doanh nghiệp như chúng tôi là buộc phải thiết kế ra những không gian hoặc chiếc áo to hơn để trao cơ hội phát triển cho người lao động. Tôi quan niệm văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh để một tổ chức cứ tự động chạy ro ro trên đường ray hành trình của nó.
Tân Việt sẽ tiếp tục đi theo sợi chỉ đỏ như vậy.
Giữ nguyên tắc nhưng lại phải có sự linh hoạt dường như là “vũ khí” của Tân Việt nhằm xoay chuyển mọi nghịch cảnh của môi trường kinh doanh đang ngày càng bất định?
(Cười) Không ghê gớm như vậy đâu. Việc vận hành kinh doanh hàng ngày của mỗi doanh nghiệp và đặc biệt là các công ty chứng khoán không thể nằm ngoài sự ảnh hưởng, tác động từ những diễn biến phức tạp, đa chiều của tình hình thế giới, hay những khó khăn, thách thức của nền kinh tế Việt Nam và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt của ngành nghề.
Nhưng cá nhân tôi cho rằng, mỗi tổ chức hay cá nhân trong thị trường vẫn cần kiên định nhìn nhận và hướng tới đích đến trong tương lai của thị trường chứng khoán, để từ đó chúng ta có những bước đi thận trọng, khôn ngoan trong ngắn hạn; có sự chuẩn bị đầu tư bài bản, phù hợp trong mỗi giai đoạn của thị trường, của doanh nghiệp nhằm định vị và tìm chỗ đứng hợp lý với mong muốn của mình sau 5 hay 10, 20 năm nữa trên thị trường chứng khoán.
Tôi chỉ quan niệm đơn giản thế này. Môi trường bên ngoài bạn chỉ có thể cố gắng nắm bắt, cập nhật và thích nghi, nhưng với môi trường nội tại thì mình hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh, thay đổi sao cho đáp ứng được các mục tiêu của mình thông qua yếu tố con người, mà cụ thể hơn là năng lực quản trị doanh nghiệp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.