Theo HNX, tháng 4, chỉ số thị trường cơ sở biến động mạnh nên giá các hợp đồng tương lai cũng biến động mạnh theo. Các hợp đồng tương lai kỳ hạn ngắn có thanh khoản cao hơn và giá của hợp đồng tương lai biến động đồng đều với chỉ số cơ sở VN30. Đặc biệt, khi VN30 sụt giảm hơn 100 điểm trong vòng 2 tuần cuối tháng thì trên TTCK phái sinh, khối lượng giao dịch tăng và liên tục đạt kỷ lục mới.
Khối lượng giao dịch cao nhất vào ngày 27/4 với 63.706 hợp đồng và giá trị giao dịch danh nghĩa đạt hơn 6.521 tỷ đồng, lần lượt gấp 1,62 lần và 1,66 lần so với kỷ lục lập trong các tháng trước đó. Như vậy, TTCK phái sinh đã từng bước trở thành công cụ quan trọng để nhà đầu tư sử dụng, phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở đảo chiều.
Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch trong tháng 4 là 563.500 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch theo mệnh giá đạt hơn 61.884 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,4% và 6,5% so với tháng 3. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 29.658 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa đạt 3.257 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 25,6% và 23,4% so với tháng 3. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường duy trì ổn định trong suốt tháng 4 và đạt 8.315 hợp đồng tại ngày 27/4, giảm 11,2% so với tháng 3.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở tăng 9,6% so với tháng 3, đạt 27.486 tài khoản. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,3%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 0,4% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng so với tháng 3, chiếm 1,09% khối lượng giao dịch.