Các doanh nghiệp được vinh danh trong buổi lễ công bố là những đại diện có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, đạt khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Đứng đầu bảng xếp hạng là các tên tuổi quen thuộc như Samsung, Viettel, Vinamilk, PVN, Vietcombank..., trong đó đáng chú ý tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã vượt qua người khổng lồ FDI Samsung để dẫn đầu Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất 2017.
Hai doanh nghiệp nhà nước là PVN và Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty CP đứng thứ 3 và thứ 6 trong Bảng xếp hạng top 10.
Tập đoàn sản xuất ôtô tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay là Trường Hải đứng thứ 7.
Đặc biệt, trong nhóm các doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất, dẫn đầu lần lượt là các tập đoàn lớn đã có thương hiệu nổi trội như Vinamilk, Trường Hải, Hòa Phát, Vingroup, Masan...
Lĩnh vực Ngân hàng có 3 ngân hàng TMCP lọt Top 10 gồm VP Bank, Techcombank, MB Bank. Hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam là Vietjet đứng thứ 10 trong top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất 2017
Ngoài ra, với mục đích ghi nhận thành quả của những doanh nghiệp uy tín trong ngành thực phẩm - đồ uống và ngành bản lẻ, Vietnam Report cũng đồng thời công bố Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2017 và Top 10 nhà bán lẻ uy tín năm 2017.
Những đại diện có mặt trong danh sách này là những công ty hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm trong ngành, là những thương hiệu đã ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành trong giai đoạn 2016-2017.
Trong đó nổi bật là các tên tuổi đã có thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ như Big C, Coopmart, Lotte Việt Nam, Aeon Việt Nam, Fivimart... Chuỗi siêu thị bán lẻ Vinmart của Vincommerce thuộc Vingroup đứng thứ 4 trong Top 10 nhà bán lẻ uy tín năm 2017.
Trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, Vinamilk dẫn đầu Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm năm 2017, tiếp đó lần lượt là Masan, Acecook, Tập đoàn KIDO đứng thứ 5 Top 10 ngành thực phẩm.
Trong lĩnh vực đồ uống, vị trí đầu bảng Top 10 Công ty đồ uống uy tín năm 2017 thuộc về doanh nghiệp trong nước có thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt Nam hiện nay là Sabeco.
Hai hãng bia và đồ uống nước ngoài nổi tiếng Heineken và Pepsico lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 bảng xếp hạng. Tập đoàn sản xuất đồ uống tư nhân đang trở lại thị trường hết sức ấn tượng gần đây là Tân Hiệp Phát đứng thứ 5 Bảng xếp hạng top 10 chỉ ngay sau người khổng lồ Habeco.
Đại gia bia Đan Mạch Carlsberg năm nay đứng vị trí thứ 8 trong Bảng xếp hạng top 10 Công ty đồ uống uy tín năm 2017.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu và ghi nhận các kết quả trong Báo cáo song ngữ Vietnam Earnings Insight 2017 với chủ đề “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2017-2018”.Nghiên cứu phản hồi các doanh nghiệp Profit500 của Vietnam Report đã cho thấy, trong năm 2017, nhìn chung môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.
Theo đó, kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy Việt Nam hiện đang đạt mức tăng trưởng khá cao so với kỳ vọng, chỉ số PMI tăng trở lại, các nghị quyết được Chính phủ tiến hành đã phần nào đạt kết quả tích cực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ niềm tin rằng các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ rất khả quan cho đến cuối năm.
Chiến lược tăng trưởng lợi nhuận của phần đông các doanh nghiệp Profit500 trong thời gian tới là tăng doanh thu, đặc biệt là dựa trên việc tìm kiếm nhóm khách hàng mới và thị trường mới, song hành với việc vận dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong các quy trình hoạt động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, nghiên cứu cũng tập trung vào các ngành hàng như bán lẻ, thực phẩm - đồ uống và thấy được sự phát triển sôi động của những ngành này trong vài năm trở lại đây. Kết quả nghiên cứu này cho thấy Việt Nam được đánh giá là một trong sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu theo chỉ số GRDI (Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu) do A.T. Kearney công bố, với chỉ số Áp lực thời gian đạt 100% thì sức nóng kêu gọi các nhà đầu tư của thị trường nước ta hiện đang lớn hơn bao giờ hết.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và có dự định đầu tư cho ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, lương thực, thực phẩm…Tiềm năng càng lớn, cạnh tranh càng tăng, doanh nghiệp Việt giờ đây không chỉ cần đảm bảo kết quả hoạt động kinh doanh mà còn phải nâng cao, củng cố uy tín cũng như vị thế trên thương trường, biến uy tín trở thành tài sản định danh trong lòng người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đồng thời thu thập nhận định, ý kiến dự báo của nhiều chuyên gia về xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của một số ngành trên thị trường chứng khoán.Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 được đánh giá đã đạt được những kết quả “ngọt ngào” với mức tăng trường 26,4%. Mới đây, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 900 điểm - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, thể hiện niềm lạc quan của giới đầu tư.Điều này giúp giá trị danh mục của phần lớn nhà đầu tư được mở rộng với tốc độ đáng kể sau 6 năm, tính từ thời điểm năm 2011 chịu nhiều mất mát.
Hiệu quả hoạt động của thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn hơn thị trường Philippines trong khu vực xét ở mức tương đồng về vốn hóa và doanh thu, hấp dẫn hơn đáng kể so với Thái Lan trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế Thái Lan thời gian qua khá ảm đạm.
Cùng với ngành phân phối bán lẻ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, y tế - dược, xây dựng hạ tầng, logistics sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư thời gian tới.
Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ nới lỏng, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, kết hợp với nỗ lực quản trị doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư và vốn chủ sở hữu đồng thời tạo dựng tiền đề tăng trưởng trong tương lai.