Kinh doanh trên đà hồi phục
Lũy kế 10 tháng năm 2020, TNG đạt doanh thu 3.895 tỷ đồng, bằng 98% cùng kỳ năm 2019 và bằng 85% kế hoạch cả năm. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, với các đơn hàng đã ký, Công ty ước đạt doanh thu 2 tháng cuối năm là 705 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu năm 2020. TNG cũng đã chuẩn bị đơn hàng cho nửa đầu năm 2021.
Để duy trì công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 15.000 người lao động, trong bối cảnh ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ban lãnh đạo TNG đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp mở ra lối đi mới cho doanh nghiệp. Riêng doanh thu hàng khẩu trang trong năm 2020 đã đem lại cho Công ty hàng trăm tỷ đồng, biên lợi nhuận ở ngành hàng này cao gấp đôi so với hàng gia công cho đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, TNG đã sản xuất và tiến hành thủ tục đăng ký tiêu chuẩn đồ bảo hộ y tế, đáp ứng theo tiêu chuẩn Mỹ để một mặt cung cấp cho các cơ sở y tế trong nước, một mặt mở hướng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Hai ưu tiên lớn của TNG trong năm 2020, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời, là hạ chi phí vốn và tăng năng suất lao động. Ông Thời thừa nhận, so với một số đơn vị trong ngành, chi phí vốn của TNG đang cao hơn và Công ty đặt mục tiêu năm nay phải hạ xuống mức 80%. Nếu tỷ trọng hàng ODM (tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng) từ sản phẩm khẩu trang và đồ may y tế tăng lên, mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, thậm chí chi phí vốn có thể thấp hơn 80%.
Để thúc đẩy năng suất và tăng thu nhập cho người lao động, TNG tiếp tục áp dụng nhiều công cụ quản trị tiên tiến như hệ thống ERP, cơ chế lương 3P… Trong 9 tháng đầu năm 2020, năng suất của người lao động tại TNG tăng trung bình 1 - 3% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp tác động của đại dịch.
Dư địa tăng trưởng cao
Cho đến thời điểm này, TNG ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhờ nỗ lực tự thân rất lớn của toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty. So với mức giảm doanh thu trung bình của ngành dệt may được dự phóng là 26% năm 2020, thì kết quả kinh doanh khả quan trong 10 tháng và dự kiến cả năm của TNG là rất đáng khích lệ.
Yếu tố được giới đầu tư đánh giá cao ở TNG là khả năng phòng ngừa rủi ro thanh toán. Bởi lẽ, TNG có uy tín, năng lực sản xuất đáp ứng điều kiện khắt khe của các đối tác lớn, nhờ vậy có thể lựa chọn đối tác và đơn hàng tốt. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu bấp bênh vì dịch bệnh.
Một yếu tố khác là TNG giữ được đà cải thiện biên lợi nhuận. Mảng dệt may của Công ty có kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2019 nhờ chiến lược tái cơ cấu khách hàng và chuyển dịch phương thức sản xuất từ CMT (gia công) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM. TNG tập trung vào những khách hàng lớn như Decathlon, Nike, The Children’s Place… Chiến lược này tiếp tục được TNG phát huy, bên cạnh việc tăng tỷ trọng sản phẩm tự thiết kế.
Nhìn một cách dài hạn, TNG có nhiều động lực và dư địa tăng trưởng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như khả năng cải thiện biên lợi nhuận, mở rộng công suất sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng gia tăng khi thị trường hồi phục sau đại dịch. Đặc biệt, tính minh bạch và quản trị tốt của Công ty sẽ tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư khi bỏ vốn vào doanh nghiệp.