Theo Khảo sát quản lý quỹ toàn cầu gần đây nhất của Bank of America, có tới 61% người tham gia dự đoán giá trị đồng đô la sẽ giảm trong 12 tháng tới, đây là triển vọng bi quan nhất của các nhà đầu tư lớn trong gần 20 năm.
Việc tháo chạy khỏi các tài sản của Mỹ có thể phản ánh một cuộc khủng hoảng niềm tin rộng lớn hơn, với các tác động lan tỏa tiềm ẩn như lạm phát nhập khẩu cao hơn khi đồng đô la suy yếu.
Sự sụt giảm của đồng đô la đã khiến loại tiền tệ khác tăng giá so với đồng bạc xanh, đặc biệt là các đồng tiền trú ẩn an toàn như đồng yên Nhật, đồng franc Thụy Sĩ cũng như đồng euro.
Theo dữ liệu của LSEG, đồng yên Nhật đã tăng giá hơn 10% so với đồng đô la, trong khi đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro tăng giá khoảng 11% kể từ đầu năm.
Ngoài các đồng tiền trú ẩn an toàn, các tiền tệ khác cũng tăng giá so với đồng đô la trong năm nay, bao gồm đồng peso Mexico tăng 5,5% so với đồng đô la và đồng đô la Canada tăng hơn 4%. Đồng zloty của Ba Lan đã tăng giá hơn 9% trong khi đồng rúp của Nga tăng giá hơn 22% so với đồng đô la.
Tuy nhiên, một số tiền tệ của thị trường mới nổi đã mất giá mặc dù đồng đô la yếu đi.
Có đủ không gian để cắt giảm lãi suất không?
Theo các nhà phân tích, trừ một số trường hợp ngoại lệ như Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), đồng đô la suy yếu là một sự nhẹ nhõm đối với các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
"Hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ vui mừng khi thấy đồng đô la giảm 10-20%", Adam Button, nhà phân tích tiền tệ tại ForexLive nói và cho biết, sức mạnh của đồng đô la đã là một vấn đề dai dẳng trong nhiều năm và gây khó khăn cho các quốc gia có chế độ tỷ giá hối đoái cố định và linh hoạt.
Với nhiều quốc gia thị trường mới nổi có khoản nợ lớn bằng đô la, đồng đô la yếu hơn sẽ làm giảm gánh nặng nợ thực tế. Ngoài ra, đồng đô la yếu hơn và đồng nội tệ mạnh hơn có xu hướng làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn tương đối, làm giảm lạm phát và do đó cho phép các ngân hàng trung ương có thêm không gian để cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, nhà phân tích Button cho rằng, đợt bán tháo đồng đô la gần đây mang lại nhiều không gian hơn để các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đồng đô la suy yếu cũng khiến khả năng cạnh tranh xuất khẩu trở nên phức tạp.
“Trong khi đồng nội tệ mạnh hơn có thể giúp kiềm chế lạm phát thông qua hàng nhập khẩu rẻ hơn, nhưng nó lại làm phức tạp thêm khả năng cạnh tranh xuất khẩu, đặc biệt là khi Mỹ áp thuế mới đối với châu Á, khi khu vực này là nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới”, Thomas Rupf, đồng Giám đốc Singapore và Giám đốc đầu tư châu Á tại VP Bank cho biết.
Nick Rees, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Monex Europe cho biết, việc phá giá tiền tệ có thể sẽ được cân nhắc nhiều hơn trên các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á.
Tuy nhiên, các thị trường mới nổi này và các ngân hàng trung ương châu Á sẽ cần phải thận trọng để tránh tình trạng tháo chạy vốn và các rủi ro khác.
Theo Wael Makarem, chiến lược gia thị trường tài chính tại Exness: "Các thị trường mới nổi phải đối mặt với lạm phát, nợ và rủi ro tháo chạy vốn cao, khiến việc phá giá tiền tệ trở nên nguy hiểm".
Chính quyền Mỹ có thể xem việc phá giá là một biện pháp thương mại có thể dẫn đến hành động trả đũa.
Alex Muscatelli, Giám đốc kinh tế của Fitch Ratings cho biết, các nền kinh tế thị trường mới nổi có thể miễn cưỡng cắt giảm lãi suất vì điều này có thể ảnh hưởng đến gánh nặng nợ của các hộ gia đình và công ty trong nước đã vay bằng đô la. Ngoài ra, đồng nội tệ yếu hơn cũng có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài do chênh lệch lãi suất thấp hơn với Mỹ.
Mặt khác, việc phá giá tiền tệ có nguy cơ kích thích tăng trưởng giá cả và các ngân hàng trung ương sẽ cảnh giác với lạm phát vẫn ở mức cao hơn mục tiêu.
Theo Brendan McKenna, nhà kinh tế quốc tế và chiến lược gia ngoại hối của Wells Fargo, nguy cơ lạm phát cao hơn phát sinh từ việc mất giá tiền tệ cũng như thuế quan có khả năng khiến các ngân hàng trung ương không muốn theo đuổi con đường phá giá tiền tệ tự nguyện.
Trên hết, mặc dù về mặt lý thuyết, hầu hết các ngân hàng trung ương nước ngoài đều có đủ khả năng làm suy yếu tiền tệ, nhưng khả năng này vẫn còn thấp trong bối cảnh hiện tại.
Việc một quốc gia có thể phá giá tiền tệ hay không phụ thuộc vào một số yếu tố: quy mô dự trữ ngoại hối, mức độ tiếp xúc với nợ nước ngoài, cán cân thương mại và mức độ nhạy cảm với lạm phát nhập khẩu.
"Các quốc gia định hướng xuất khẩu có đủ dự trữ và ít phụ thuộc vào nợ nước ngoài sẽ có nhiều không gian hơn để phá giá, nhưng ngay cả những quốc gia đó cũng có khả năng sẽ hành động thận trọng… Nhưng hiện tại, có vẻ như hành động được ưa chuộng là tránh một cuộc chiến tranh tiền tệ vì chúng sẽ chỉ làm tăng thêm bất ổn cho nền kinh tế trong nước và toàn cầu", nhà kinh tế Brendan McKenna cho biết.