Vượt gần 474 km từ Hà Nội, 12 giờ đồng hồ nằm xe, qua con đèo Pha Đin được mệnh danh tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, chúng tôi đến với Tuần Giáo (Điện Biên) - nơi những nếp nhà sàn người Thái vẫn giữa nguyên nét đẹp truyền thống như thuở khai thiên lập địa và chứng kiến Mường Then ngày nào nay đã thay áo mới.
Đến Điện Biên trong một chiều cuối năm nhạt nắng, tôi háo hức được tận mắt chiêm ngưỡng cánh đồng Mường Thanh bao đời nay vẫn cần mẫn tạo ra những hạt ngọc trời nuôi dưỡng hơn 21 dân tộc anh em cùng sinh sống ở thung lũng này. Nơi cách đây hơn 60 năm ông cha ta đã làm nên chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, nay trở thành một điểm du lịch năng động, giàu văn hóa vùng miền và đầy tiềm năng.
Xứ Mường xưa được mệnh danh là một trong những vùng đất trù phú nhất của vùng Tây Bắc, một đồng bằng nhỏ hẹp tạo nên bởi phù sa của sông Nậm Rốm. Từ đây, con sông sẽ chảy sang Lào, về sông Nậm U rồi hòa mình vào dòng Me-Kong. Bởi thế mới sinh ra câu “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Nơi đây cũng gắn bó với câu truyện truyền thuyết của người Thái về trận đại hồng thủy khai thiên lập địa mà dấu tích còn lại tới ngày này là bản Tẩu Pung thuộc xã Nà Tấu và hồ U Va thuộc xã Nông Luống - nơi chúng tôi đang dừng chân. Tẩu Pung nghĩa là quả bầu to, có dây leo, từ đây các giống người chui ra. Còn hồ U Va ngày xưa có dây sắn rừng làm đường lên xuống giữa cõi trời và cõi người.
Nằm gọn trong thung lũng Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ được thiên nhiên ưu ái gần hết cái hay cái đẹp của trời: con gái da trắng, dáng đẹp, lời ru con say đắm lòng người, gạo thơm, cơm dẻo, nơi trời đất gặp nhau mưa thuận gió hòa. Nhìn các cô gái Thái trong bộ áo cóm, khăn piêu, thắt lưng đủ màu, gái có chồng búi tóc trên đầu, thiếu nữ buộc hờ tóc ngang lưng đi lại thướt tha và trò chuyện như chim hót giữa các phiên chợ khiến tôi mường tượng ra rằng, hẳn xưa kia đường lên trời ở hồ U Va là để trời và đất gặp nhau.
Rồi một đôi nam thanh nữ tú nào đó phạm phải điều cấm kị bị đày xuống Mường Then, họ sinh ra những người con mang hai dòng máu trời đất nên vừa có cái dáng vẻ yêu kiều, diễm lệ trong từng bước đi như người Trời, vừa có cái dáng mộc mạc, chân chất của Đất.
Mùa nào thức nấy, chỉ cần khách du lịch có lòng thì lên Điện Biên dịp nào cũng được thưởng thức những món ăn, cảnh vật và đặc sản văn hóa rất riêng của vùng đất nằm vắt vẻo một mình một cõi tận cực Tây Tổ Quốc. Mùa Xuân hoa ban, hoa mận nở trắng trời Tây Bắc. Khắp các mỏm đá dọc ven đường lên bản người Thái, người Mông, những chiếc váy xòe sặc sỡ sắc màu được trưng ra chờ tới phiên chợ tình.
Đặc biệt, dịp tháng 2 Âm lịch là mùa lễ hội, khắp nơi tiếng chiêng tiếng trống nổi lên với rượu cần, với điệu xòe hoa, với những nghi thức đậm chất dân tộc cầu một mùa sang mưa thuận gió hòa: lễ cơm mới, lễ cúng ruộng, cũng nước, cầu mưa…
Ở đây, vào dịp lễ hội, người dân tộc uống rượu thâu đêm tới khi trời sáng, tỉnh dậy thì tiếng khèn gọi bạn tình đã kịp vang lên lay động cả đất trời. Rượu say, tình cũng say, du khách tới xứ Mường mùa này vừa say tình, vừa say cả người.
Sang Hè, Điện Biên mang trong mình dáng vóc của một thiếu nữ mơn mởn sức sống. Từ khắp các dãy núi, đỉnh đèo, hoa chuối rừng nở đỏ rực cả một góc trời.
Tuy khí hậu Điện Biên thiên biến vạn hóa, một ngày lần lượt 4 mùa trong năm, nhưng mùa Thu là mùa khí hậu dễ chịu nhất. Sáng ăn gạo nếp nương, gạo tám Điện Biên hương thơm rạo rực, ngắm lúa nương nở rộ khắp cánh đồng Mường Thanh, tối uống rượu sâu chít rồi nhấm nháp cá sông Đà sấy qua một lượt khói bếp - đặc sản chỉ riêng Điện Biên mới có, cho dù con sông Đà còn uống lượn qua các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình nữa mới hòa về với Sông Hồng.
Tháng 11, 12 Âm lịch, nếu du khách có lòng lên Mường Then dạo chơi thì đừng dại mà đi máy bay vèo vèo 50 phút là tới. Mùa Đông ở xứ sở giao duyên của trời, của đất này không dành cho người vội vã. Hãy mua vé lên một chuyến xe, uốn lượn lòng mình với hơn 200 khúc cua mà ngắm hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên Quốc lộ 6. Nếu gặp may thì trên đường về, xe sẽ nghỉ ở Mộc Châu - Sơn La để khách ngắm đồi thông, hoa cải.
Đến Điện Biên, ngoài thăm quan các điểm du lịch nổi tiếng như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, tượng đài chiến thắng, cánh đồng Mường Thanh…, du khách không thể bỏ lỡ các buổi chợ phiên ở huyện Tủa Chùa. Trong không khí rộn ràng tiếng khèn lá, khèn môi, tiếng sáo mời gọi, các đôi trai gái tìm đến nhau như một người đàn ông nào đó đã vô tình tò mò leo lên sợi dây giữa trời và đất rồi chót yêu say đắm nàng tiên đẹp tuyệt trần để sinh ra 21 dân tộc anh em ở đây. Từ những buổi gặp ở chợ Xuân này đã có biết bao chàng trai, cô gái thành vợ, thành chồng.
Ngoài ra, nếu có thú thăm vùng sơn cước, du khách có thể tìm dến Bản Mển cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ 6 km. Bản Mển nhìn từ xa đẹp như một bức tranh tựa vào lưng núi, mặt hướng ra cánh đồng Mường Thanh mênh mông. Ở đây, những nếp nhà sàn của người Thái đen vẫn giữ nguyên những nét truyền thống và tục tắm tiên vẫn còn được duy trì.
Điện Biên hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Không phải dáng vẻ của cô gái thôn quê học đòi phố thị, mới chập chững xỏ hai chân vào chiếc quần jean, mà xứ Mường đã thực sự trở thành một quần thể du lịch mang đậm tính lịch sử, văn hóa và cá tính con người nơi đây.
Hồ U Va trong truyền thuyết xưa kia của người Thái, nay đã được tồn tại thành địa điểm du lịch, trở thành nơi cung cấp nguồn tưới tiêu cho cả cánh đồng Mường Thanh trù phú. Những hạt ngọc trời xứ Mường đi vào chiếc bánh chưng, vào đĩa xôi cúng sang canh của gia đình ở đồng bằng nào đó, rồi được họ tấm tắc khen ngon… Mường Thanh hôm nay đã thực sự là một bản "tình ca Tây Bắc" vút lên giữa núi rừng trùng điệp.
Trên chuyến xe trở về nơi đô hội, chúng tôi chợt thấy tiếc nuối những cảm xúc đồng rừng khi thấy một cô gái Thái còn mặc nguyên chiếc áo cóm, đội khăn piêu, eo thắt dải lụa hồng, tóc búi cao trên đầu, ru đứa trẻ nhỏ ngủ trong lòng trên đường về Hà Nội với những câu hát mộc mạc:
“Ô xủm ô ô…
Má hôm xúc xúc
Au má hở, bả lục mằn kin kin…”
Có nghĩa là:
Ô chua ô ô
Quả đu đủ chín
Lấy đem vào cho trẻ nó ăn..
Hai bên đường, hoa mận, hoa mơ, hoa ban, hoa đào đã kịp nở xôn xao núi rừng đón mùa Xuân mới!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com