Tin vui đầu tuần cho giá vàng

(ĐTCK) Thông tin mới nhất về khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã giúp vàng có một phiên giao dịch khởi sắc trong ngày hôm nay (29/6). Tuy nhiên, đà tăng của vàng không kéo dài suốt phiên và đang có xu hướng giảm dần.

Tại thị trường trong nước, giá vàng trước ảnh hưởng của thị trường thế giới, được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại.

Vàng SJC lúc đầu ngày được niêm yết ở mức 34,37 – 34,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối tuần trước. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh tăng thêm 20.000 đồng/lượng chiều mua vào và 10.000 đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch ở mức 34,39 – 34,46 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lúc đầu ngày mua vào – bán ra ở mức 31,47 – 31,92 triệu đồng/lượng. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng mỗi chiều, mua vào – bán ra ở mức 31,37 – 31,82 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank duy trì tỷ giá USD ở mức 21.780 – 21.840 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với cuối tuần trước. BIDV cũng có động thái tương tự khi giữ tỷ giá USD ở mức trên, giữ nguyên so với cuối tuần trước.

Trong phiên Á hôm nay (29/6), nhờ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp có diễn biến xấu đi, giá vàng được hưởng lợi có phiên leo dốc trở lại.

Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.174,20 USD/ounce, ngay khi mở phiên, giá vàng tăng vọt lên mức đỉnh 1.186,70 USD/ounce, tăng 12,5 USD/ounce so với giá mở cửa và giao dịch quanh ngưỡng này trong nửa đầu phiên. Về cuối phiên, giá vàng giảm dần, chạm đáy ở 1.177,45 USD/ounce, cao hơn giá mở cửa 3,25 USD/ounce. Đây cũng là giá chốt phiên ngày hôm nay.

Hôm nay, chính quyền Athens đã ra lệnh đóng cửa các nhà băng tại quốc gia này, một động thái bất ngờ so với phát ngôn trước đó khẳng định rằng Hy Lạp không có kế hoạch đóng cửa ngân hàng, tiến hành kiểm soát vốn.

Trong tuần vừa qua, người dân và các công ty tại Hy Lạp đã xếp hàng dài trước các ngân hàng và ATM với mong muốn rút được nhiều nhất số tiền trong tài khoản của mình. Ước tính, cho tới thứ Bảy (27/6), người dân Hy Lạp đã rút ra khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD). Trong khi dòng tiền chảy mạnh ra bên ngoài, các ngân hàng của Hy Lạp không thể hoạt động như bình thường khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ra quyết định tạm dừng các gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho hệ thống ngân hàng tại Hy Lạp.

Ngày mai (30/6) sẽ là hạn chót Hy Lạp phải trả số tiền 1,7 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu thất bại trong việc trả nợ, Hy Lạp sẽ chính thức rơi vào tình cảnh vỡ nợ và khả năng rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) là rõ ràng hơn bao giờ hết.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục