Trong tuần qua, giá vàng đã có những phiên giảm liên tiếp khi thông tin về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp - chỗ bấu víu hiếm hoi còn lại của giá vàng, bất ngờ có lối thoát được đưa ra đầu tuần. Dù vậy, vấn đề Hy Lạp vẫn chưa còn bế tắc và vẫn là thông tin tác động tới giá vàng tuần này.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chờ đợi thông tin về bảng lương phi nông nghiệp tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm, sớm hơn 1 ngày so với thường lệ do thứ Sáu là Quốc khánh Mỹ.
Bảng lương phi nông nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra quyết định về thời gian tăng lãi suất lần đầu tiên sau 1 thập kỷ.
Trở lại với phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng có lúc giảm xuống ngưỡng 1.170 USD/ounce do đồng USD tăng trở lại, nhưng sau đó đã hồi phục khi tình hình Hy Lạp có vẻ không khả quan.
Tuy nhiên, diễn biến chung của giá vàng trong phiên này không có biến động lớn khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro vào ngày thứ Bảy đề quyết định về vấn đề nợ của Hy Lạp.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras lại vừa có một động thái bất ngờ là kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý xem liệu ông có nên chấp thuận yêu cầu mới nhất của các chủ nợ quốc tế hay không. Dự kiến cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ngày 5/7 tới.
Về dữ liệu kinh tế Mỹ, trong phiên cuối tuần, không có nhiều thông tin kinh tế quan trọng được công bố. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 6 do Đại học Michigan công bố được điều chỉnh lên mức 96,1, cao hơn mức 94,6 lúc công bố sơ bộ.
Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay tăng 1,3 USD (+0,11%), lên 1.174,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,9 USD/ounce (+0,16%), lên 1.173,7 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,17%, giá vàng giao tháng 8 giảm 2,18%.
Đánh giá về xu hướng giá vàng tuần này, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều dự đoán vàng sẽ tiếp tục giảm, trong khi giới chuyên gia lại có cái nhìn cân bằng hơn.
Cụ thể, theo khảo sát trực tuyến của Kitco cuối tuần qua, trong 292 người tham gia, có 140 người, chiếm 48% dự đoán vàng giảm trong tuần tới; 115 người, chiếm 39% lạc quan về giá vàng và 37 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung tính.
Còn trong số 33 chuyên gia được liên lạc, có 19 người trả lời, trong đó có 7 người, chiếm 37% là lạc quan về vàng trong tuần tới; 6 chuyên gia, chiếm 31% dự báo giá vàng sẽ thấp và 6 có quan điểm trung tính.
Colin Cieszynski, Chiến lược gia thị trường cao cấp tại CMC Markets nhận định, giá vàng sẽ giảm trong tuần này do các dữ liệu, đặc biệt là khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ báo cáo hôm thứ Năm dự báo sẽ cho thấy thị trường lao động tích cực hơn. Số liệu tích cực sẽ cung cấp cho Fed lý do để tăng lãi suất trong tháng 9.
Tại thị trường vàng trong nước, việc giá vàng thế giới giảm đã kéo giá vàng SJC trong nước giảm mạnh trong tuần qua, có lúc xuống mức thấp nhất 5 năm, trước khi hồi nhẹ trở lại trong 2 ngày cuối tuần. Trong đó, giá mua vào tăng nhẹ 10.000 đồng/lượng, lên 34,34 triệu đồng/lượng hôm thứ Sáu, trong khi giá bán ra vẫn giữ ở mức 34,4 triệu đồng/lượng.
Trong sáng thứ Bảy, giá vàng SJC tăng 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên 34,35 - 34,43 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, giá vàng SJC giảm 320.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 340.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD ngân hàng do Vietcombank niêm yết sau khi tăng liên tiếp 2 ngày đầu tuần với 5 đồng/USD mỗi ngày, đã duy trì ổn định ở mức 21.780 - 21.840 đồng/USD trong suốt thời gian còn lại của tuần. Tính chung, tỷ giá USD ngân hàng tăng 10 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD lại tăng liên tục trong tuần với mức tăng 5-10 đồng/USD mỗi ngày. Chốt ngày cuối tuần, tỷ giá USD tự do đứng ở mức 21.830 - 21.850 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD ở chiều mua vào và 25 đồng/USD ở chiều bán ra.
Với các ngoại tệ mạnh khác, trong tuần qua, ngoại trừ HKD tăng nhẹ 0,07%, còn lại đều giảm so với VND. Trong đó, giảm mạnh nhất là đồng EUR với mức giảm 0,9%, tiếp đến là CAD giảm 0,88% và CHF giảm 0,82%.