Tại thị trường trong nước, giá vàng đã liên tục được điều chỉnh giảm kể từ đầu tuần và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lúc đầu ngày, vàng SJC niêm yết ở mức 34,38 – 34,48 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 30.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá được điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 80.000 đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch ở mức 34,33 – 34,40 triệu đồng/lượng.
Lúc 8h30 sáng nay, vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mua vào – bán ra ở mức 31,26 – 31,71 triệu đồng/lượng, không đổi so với ngày hôm qua. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Trên thị trường ngoại tệ, Vietcombank duy trì tỷ giá USD ở mức 21.780 – 21.840 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với ngày hôm qua. BIDV hiện cũng giao dịch ở mức này.
Trên thị trường tự do, giá USD trong ngày mua vào – bán ra ở mức 21.825 – 21.840 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng nhẹ 5 đồng chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Trong phiên Á hôm qua, mặc dù có nỗ lực phục hồi vào giữa phiên nhưng giá vàng vẫn không thoát khỏi đà giảm.
Trên sàn Hong Kong, giá vàng mở cửa ở 1.175 USD/ounce, lúc giữa phiên, vàng bất ngờ có xu hướng tăng nhẹ, đạt đỉnh ở 1.177,80 USD/ounce, tăng 2,8 USD/ounce so với giả mở cửa. Về cuối phiên, giá giảm dần và chốt phiên ở 1.174,80 USD/ounce, gần bằng với mức mở cửa.
Hy Lạp và các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng để mở khóa gói cứu trợ, giúp Hy Lạp có đủ khả năng trả nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 30/6 tới. Trước đó, các quan chức châu Âu đã đánh giá cao bản dự thảo các điều kiện cải cách mới của quốc gia nay, bao gồm các biện pháp tăng tuổi về hưu, đánh thêm các loại thuế đặc biệt đối với kinh doanh và dịch vụ y tế. Thông tin này đã giúp TTCK châu Âu có 4 phiên tăng điểm liên tục, nhưng lại khiến vàng lao đao vì giảm giá.
Thông tin mới được công bố ngày thứ Tư (24/6) cho biết, EU và IMF đã không chấp nhận một số điều kiện cải cách trong bản dự thảo mới của Hy lạp, tuy nhiên thị trường không có nhiều phản ứng trước thông tin này. Các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục có lịch họp vào ngày 25 và 26/6. Việc liệu Hy Lạp có đạt được thỏa thuận cuối cùng hay không vẫn khó để đoán định.
Theo một báo cáo mới, nhu cầu tiêu thụ vàng của Trung Quốc sẽ sụt giảm đáng kể trong năm nay, bởi người dân và các nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang bị thu hút bởi TTCK và các kênh đầu tư khác. Dự báo, sản lượng nhập khẩu vàng của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 20% trong năm 2015.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ sẽ tăng nhẹ trong năm nay, nhờ việc nới lỏng quy định nhập khẩu vàng của Chính phủ nước này. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia có nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất hàng đầu thế giới.