Suni Harford, Chủ tịch UBS Asset Management nói với CNBC hôm thứ Hai (9/11) rằng, năm 2021 là một năm bản lề trong bối cảnh không chắc chắn về sự bùng nổ trở lại của virus và triển vọng kích thích tài chính của các bang, nhưng theo tin tức vắc xin mới nhất, “điều này sẽ thay đổi mọi thứ”.
“Tin tốt về vắc xin bây giờ và khả năng nhìn thấy vắc xin thực sự được triển khai vào năm 2021, tôi nghĩ sẽ đẩy nhanh tất cả những điều đó, đặt năm 2021 dưới một ánh sáng rất khác và tích cực hơn”, theo Suni Harford.
Tâm lý này được lặp lại trong một ghi chú sáng thứ Ba (10/11) từ Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management, ông cho biết phản ứng thị trường cho đến nay nhấn mạnh thông điệp gần đây của UBS rằng “các nhà đầu tư cần đa dạng hóa cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới các phần cổ phiếu chu kỳ hơn khi đã bị tụt lại phía sau vào năm 2020, tránh cổ phiếu công nghệ lớn và những cổ phiếu được hưởng lợi khi làm việc tại nhà”.
“Chúng tôi đã nói rằng, đợt tăng giá tiếp theo của cổ phiếu sẽ được thúc đẩy bởi sự chấm dứt bất ổn chính trị của Mỹ và lợi ích bền vững được hỗ trợ bởi vắc xin”, Haefele nói thêm.
Emmanuel Cau, Trưởng bộ phận Chiến lược cổ phiếu châu Âu của Barclays cho biết, chiến thắng dự kiến của Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ và các chỉ số vắc xin tích cực đã giảm đáng kể hai rủi ro lớn nhất đối với thị trường, điều này báo hiệu tốt cho kịch bản kinh tế tích cực và lạm phát tăng trở lại”.
“Việc loại bỏ hai yếu tố không chắc chắn chính có thể tạo ra sự dịch chuyển từ các tài sản trú ẩn an toàn tương đối như trái phiếu, tiền mặt và cổ phiếu tăng trưởng, sang các tài sản rủi ro hơn”, ông cho biết.
Triển khai vắc xin vào giữa năm 2021
Theo Tara Raveendran, Trưởng bộ phận khoa học đời sống tại Shore Capital cho biết, với kết quả đạt được 90% về hiệu quả đối với vắc xin do Pfizer và BioNTech sản xuất đã vượt xa kỳ vọng 60 - 70% của các nhà phân tích và so với tỷ lệ hiệu quả khoảng 40 - 60% đối với vắc xin cúm.
Raveendran nhấn mạnh rằng, vì thông báo gần đây nhất chỉ là "dữ liệu tiêu đề" và cần chi tiết hơn về một số yếu tố, bao gồm độ bền bảo vệ của vắc xin, tính an toàn lâu dài, tỷ lệ hiệu quả giữa các nhóm phụ khác nhau bao gồm cả người già và người dễ bị tổn thương, cũng như hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa các trường hợp “nhẹ và trung bình”.
Pfizer giải thích rằng, vắc xin Pfizer và BioNTech là vắc xin mRNA, thường khá không ổn định và cần được vận chuyển trong các thùng vận chuyển chuyên dụng ở nhiệt độ dưới âm 70% độ C, trước khi được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 5 ngày.
Raveendran gợi ý rằng trong trường hợp đầu tiên, việc triển khai sẽ ở các trung tâm có số lượng lớn như phòng khám vắc xin hoặc bệnh viện sẽ ưu tiên cho các nhóm có nguy cơ như nhân viên y tế tuyến đầu và các bộ phận dân số có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
“Pfizer đã cho biết họ có thể sản xuất đủ vắc xin để tiêm chủng cho 25 triệu người vào cuối năm 2020 và mở rộng quy mô đó lên 1,3 tỷ liều. Vì vậy, chúng tôi đang thực sự xem xét giữa năm 2021 có thể triển khai tiêm chủng quy mô lớn nào”, Raveendran cho biết.