Tín hiệu tích cực ở nhiều ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang đón nhận những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như triển vọng của ngành, kỳ vọng năm 2022 sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan. 
Nhiều ngành, lĩnh vực có tín hiệu tích cực Nhiều ngành, lĩnh vực có tín hiệu tích cực

Đơn hàng dệt may dồi dào

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).

Hiện nay, TCM đã nhận đơn hàng đến hết quý III/2022. Đơn hàng dồi dào, chúng tôi không lo thiếu việc.

Về nhân sự, đến ngày 9/2/2022 có 95% công nhân quay trở lại làm việc, sang tuần này (ngày 14/2) sẽ có 100% công nhân làm việc. Đây là tín hiệu khởi sắc từ đầu năm cho TCM. Chúng tôi dự báo, kết quả kinh doanh quý I khá tốt và hoạt động kinh doanh cả năm 2022 khởi sắc.

Có ba yếu tố có thể nhìn thấy rõ triển vọng sáng của ngành dệt may nói chung và TCM nói riêng.

Thứ nhất, đơn hàng tốt, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng đơn hàng đến hết quý II, quý III/2022.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, tỷ lệ người tiêm mũi 3 vắc-xin cao là tín hiệu tốt để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Thứ ba, chi phí vận chuyển đã hạ nhiệt, lưu thông hàng hóa bình thường trở lại, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, cải thiện biên lợi nhuận.

Năm 2022, TCM đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.182 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 253,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 120% và 188% so với năm 2021. Công ty đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng Nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2022.

Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Tổng công ty Viglacera.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Tổng công ty Viglacera.

Ngay tuần đầu năm 2022, Viglacera tổ chức khởi công dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thuận Thành I, quy mô 250 ha tại Bắc Ninh.

Tổng công ty đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 130 ha, đang tập trung đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng toàn khu công nghiệp sẽ hoàn thành trong năm 2022, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn thành trong năm 2023, sẵn sàng mặt bằng sạch đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Viglacera cũng tổ chức khởi công 2.000 căn hộ phục vụ khoảng 10.000 người lao động tại Khu nhà ở công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đề xuất với UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép nghiên cứu lập quy hoạch Khu đô thị - dịch vụ Thuận Thành 1 có diện tích khoảng 30 ha, phục vụ chuyên gia, công nhân và người lao động trong khu công nghiệp.

Tính đến nay, Viglacera đã phát triển 12 khu công nghiệp, có trên 4.000 ha đất cho thuê, thu hút hơn 300 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng tại Bắc Ninh, Tổng công ty đã và đang đầu tư 5 khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp Tiên Sơn, Khu công nghiệp Yên Phong I, Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, Khu công nghiệp Yên Phong 2C và Khu công nghiệp Thuận Thành I.

Từng bước hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời.

Lộc Trời vừa thành lập 2 công ty thành viên - Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) và Công ty cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (LTS).

LTA là khâu đầu và cũng là khâu cuối đặc biệt quan trọng trong quy trình khép kín từ hạt giống đến khi thu hoạch và vận chuyển đến hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bổ khắp Đồng bằng sông Cửu Long để sấy, xay xát, lưu kho và giao hàng.

Với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày, cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, LTA đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, nhất là các thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc…

Còn LTS tiền thân là ngành giống của Lộc Trời, đóng góp gần 900 tỷ đồng vào doanh thu năm 2021, hiện sản xuất hơn 80.000 tấn lúa giống các loại trên các vùng trồng được quản lý chặt chẽ và hợp tác với những nông dân giỏi nhất, phân phối trực tiếp qua hệ thống phân phối trên 300 đại lý phủ khắp cả nước. LTS khai thác các giống lúa mà Tập đoàn sở hữu và được cấp quyền sản xuất, thương mại.

Mở đầu năm 2022, LTA thông qua hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đối tác trong nước và xuất khẩu đã giúp hoàn thiện hệ sinh thái này, góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá cho bà con nông dân và giúp việc tổ chức mùa vụ được chủ động hơn.

Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa, các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã đồng tài trợ 12.000 tỷ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất - cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu, giúp giảm thiểu chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây.

Theo đó, khi tham gia các hợp tác xã liên kết với Lộc Trời, các hộ nông dân sẽ được đảm bảo cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và dịch vụ cần thiết, không lo thiếu vốn sản xuất cũng như giảm đáng kể rủi ro biến động giá các loại vật tư nông nghiệp. Trước mỗi vụ, LTA cam kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng lúa trồng được để đảm bảo thu nhập ổn định cho các hộ nông dân và tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tập trung xuất khẩu sang Mỹ

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng.
Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng.

2021 là một năm mà ngành dệt may bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.

Đáng mừng là thế giới đang tạm thời vượt qua và chấp nhận sống chung cùng dịch bệnh.

Điều này sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu dần khôi phục bình thường, các quốc gia lấy lại nhịp độ tăng trưởng trước đây, các đối tác đẩy mạnh kinh doanh.

Đây sẽ là những động lực chính giúp May Sông Hồng tăng tốc trong năm 2022.

Trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn thể cán bộ, công nhân viên May Sông Hồng vẫn nỗ lực đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa gia tăng tăng sản xuất. Nhờ đó, Công ty đạt mức lãi sau thuế 442,4 tỷ đồng, tăng 91% so với năm 2020.

Ban lãnh đạo Công ty đang bàn bạc và xây dựng kế hoạch kinh doanh, cũng như các chỉ tiêu cho năm 2022, dự kiến tăng 10% so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn sẽ hướng về thị trường Mỹ với những đối tác tiềm năng.

Hứa hẹn khởi sắc ở nhiều lĩnh vực

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai.

Đối với lĩnh vực thủy sản, công nhân đang phải làm tăng ca để kịp tiến độ giao hàng cho khách hàng. Chúng tôi không phải đi tìm khách, mà khách chủ động tìm đến chúng tôi.

Hiện các đơn hàng thủy sản đã ký đến hết quý II năm nay.

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường là tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp bứt phá.

Với mảng du lịch, sự hồi phục đã thể hiện rõ rệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Mỗi khu du lịch của Tập đoàn Sao Mai có những ngày đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan.

Năm 2022, Tập đoàn tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các khu du lịch hiện hữu và xúc tiến đầu tư thêm nhiều dự án mới.

Mảng điện mặt trời vẫn ổn định. Đối với mảng bất động sản, tình hình kinh doanh thời gian qua rất tốt, nhưng thủ tục đầu tư dự án mới bị ách tắc vì Covid-19, năm nay sẽ được chúng tôi tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án.

Tập đoàn vừa hoàn thành việc chi phối thêm một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Công ty TNHH Chế biến trà Junchow, có quỹ đất khoảng 60 ha tại Đắk Nông.

Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings.

Du lịch giờ đây đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người. Sau thời gian dài giãn cách và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình đã dần ổn định. Dự báo, năm 2022, ngành du lịch và hàng không sẽ khởi sắc trở lại.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm đường bay và các gói du lịch trong nước dành cho khách Việt Nam, tiếp thị đến khách quốc tế,

Vietravel Holdings sẽ từng bước khôi phục thị trường ngoài nước với kỳ vọng du lịch nước ngoài khởi sắc vào mùa hè 2022.

Với hệ sinh thái đa dạng, Vietravel Holdings sẽ kết hợp thế mạnh giữa Vietravel Holiday và Vietravel Airlines để đem đến khách hàng những sản phẩm chất lượng, giá thành dễ tiếp cận.

Tính riêng mùa cao điểm Tết từ 15/1 - 14/2/2022, Vietravel Airlines đã phục vụ trung bình 2.400 lượt khách/ngày, hiệu suất sử dụng ghế đạt xấp xỉ 92% trên toàn mạng bay của hãng giữa Hà Nội và TP.HCM, cũng như các thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc. Ngoài ra, Vietravel Airlines tăng gần 53% số lượng chuyến bay cho các chặng bay Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Phú Quốc.

Trong tháng 1/2022, Công ty đã gặp gỡ đại diện Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Thái Lan, Philippines… để bàn thảo về kế hoạch xúc tiến đẩy mạnh thị trường ngoài nước, dự kiến sẽ sớm tung ra các sản phẩm mới cũng như chỉ định các đối tác GSA hàng không tại thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong quý I/2022.

Đẩy mạnh các dự án bất động sản nghỉ dưỡng

Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest).
Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest).

Việt Nam sở hữu hơn 3.000 km đường bờ biển cùng nhiều thắng cảnh, bãi tắm tuyệt đẹp, luôn thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa cũng như quốc tế.

Tuy nhiên, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã trải qua 2 năm liên tiếp (2020 - 2021) gặp nhiều khó khăn khi hứng chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Theo tình hình thực tế tại một số địa phương như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết đầu năm nay thì bức tranh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2022 hứa hẹn sẽ phục hồi khi du lịch từng bước được mở cửa với lộ trình thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Mặt khác, sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được cải thiện nhờ những vướng mắc pháp lý dần được tháo gỡ từ quy định của Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi.

Những dự án có hạ tầng tốt, quản lý vận hành quốc tế, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi để phát triển và thu hút khách du lịch sẽ hấp dẫn nhà đầu tư.

Năm 2021, Hải Phát Invest đạt 1.393 tỷ đồng doanh thu, tăng 5%; lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, trong đó thuộc về công ty mẹ là 289 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2020. Kết quả này là tiền đề để chúng tôi đẩy mạnh đầu tư các dự án, trong đó có dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở các trung tâm du lịch lớn.

Hiện tại, Công ty tập trung phát triển các dự án bất động sản mang tính chất nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển, sở hữu tiềm năng du lịch như Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Thuận, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng...

Tái cấu trúc để mở rộng thị trường

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 3 (LM3).
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 3 (LM3).

Tháng 1/2022, Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã hoàn tất việc chuyển nhượng 2,563 triệu cổ phần kèm nghĩa vụ nợ cho nhóm nhà đầu tư vào LM3.

Có thể coi đây là bước ngoặt với LM3 khi nhóm nhà đầu tư mới bên cạnh việc đầu tư thêm nguồn lực tài chính vào doanh nghiệp sẽ xóa nợ cho Công ty.

Theo đó, LM3 sẽ không còn âm vốn chủ sở hữu, thiết lập lại quan hệ tín dụng với các ngân hàng, tham gia đấu thầu các dự án trở lại. Thế mạnh của LM3 là xây dựng công nghiệp, tham gia xây lắp nhiều nhà máy, trong đó có hạng mục ống khói nhà máy nhiệt điện.

Hiện chúng tôi đang đàm phán tham gia các gói thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, tham gia hồ sơ đấu thầu các dự án khác.

Xây dựng công nghiệp là mảng thị trường có tiềm năng lớn ở Việt Nam, nếu tái cấu trúc thành công, LM3 có cơ hội mở rộng thị trường.

Năm 2022, Ban điều hành dự kiến xây dựng kế hoạch đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng, bắt đầu có lợi nhuận dương trở lại.

Bên cạnh đó, LM3 có chiến lược mới về các hoạt động đầu tư. Trước mắt, các nhà đầu tư mới tham gia bỏ vốn vào LM3 cam kết tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp để có nguồn lực tái cơ cấu hoạt động.

Ngày 9/2/2022, Hội đồng quản trị đã có nghị quyết về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông, dự kiến vào cuối tháng 3 (24 - 29/3), nhằm thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục