Báo lãi nhờ doanh thu tài chính tăng
Ba quý đầu năm, Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) liên tiếp thua lỗ, lỗ quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I, Công ty lỗ 24 tỷ đồng; quý II lỗ hơn 49 tỷ đồng; quý III lỗ hơn 72 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý cuối năm, Tasco khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi báo lãi 177 tỷ đồng, (cùng kỳ năm ngoái lỗ 154 tỷ đồng).
Trong kỳ, Tasco ghi nhận khoản doanh thu tài chính bất thường là 219 tỷ đồng. Đây là lý do chính khiến Công ty thoát lỗ trong quý IV và cả năm 2021.
Khép lại năm 2021, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty ghi nhận doanh thu 870 tỷ đồng, tăng 15% so với 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 47,7 tỷ đồng, đột biến so với mức thua lỗ 243 tỷ đồng trong năm trước đó.
Tasco cho biết, Công ty có lãi trong quý IV/2021 nhờ các mảng kinh doanh đều hồi phục, thu phí đường bộ, y tế, VETC đều tăng trưởng so với năm trước. Công ty cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong giai đoạn đại dịch.
Đồng thời, Công ty đã thực hiện thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm theo chủ trương của Hội đồng quản trị, qua đó mang lại lợi nhuận trong kỳ. Đó cũng là lý do doanh thu tài chính của Tasco trong quý này tăng đột biến.
Trước đó, ngày 29/11/2021, Hội đồng quản trị Tasco đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần/vốn góp tại các công ty con/công ty liên kết.
Cụ thể, Công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần/phần vốn góp tại 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực hoạt động cần tái cấu trúc với giá trị thoái vốn tối thiểu là 600 tỷ đồng. Danh sách thoái vốn bao gồm 3 công ty con (Tasco Thành Công, Tasco Nam Định, An Nhiên Foods), 4 công ty liên kết (Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, Công ty D-Tech, Tổng công ty Thăng Long). Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, Tasco sẽ tìm kiếm đối tác hợp tác để triển khai.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, Tasco đang có tổng tài sản 10.831 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Tái cơ cấu đã giúp Công ty thoát lỗ trong năm vừa qua và khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận 139 tỷ đồng vào cuối năm.
Tasco vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc góp hơn 138 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 29,49% vào Dự án xây dựng khu dân cư và thương mại dịch vụ tại xã Quảng Phú, TP. Thanh Hóa.
Tương tự, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã TIS) cũng thoát lỗ nhờ thu nhập tài chính. Cụ thể, trong quý IV/2021, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lợi nhuận gộp âm 11,5 tỷ đồng. Nhưng nhờ hoàn nhập chi phí tài chính lớn (trong kỳ hoàn nhập chi phí tài chính 86 tỷ đồng), đồng thời các chi phí khác được tiết giảm, Công ty lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2021, TISCO ghi nhận doanh thu gần 12.858 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 122 tỷ đồng, gấp 16,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lực kéo quý IV
Cộng đồng doanh nghiệp vừa trải qua một năm khó khăn chưa từng có. Đại dịch bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là giai đoạn quý III/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch được áp dụng nghiêm ngặt trên diện rộng khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng. Quý cuối cùng của năm 2021, một số doanh nghiệp đã bứt phá để về đích kế hoạch kinh doanh năm.
Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Đầu tư đa quốc gia I.D.I (mã IDI), dự kiến lãi sau thuế đạt 80 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với trước và cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cho các đơn hàng đến hết quý III/2022 với giá trị cao hơn 25 - 30% so với đơn hàng năm 2021. Đây là động lực quan trọng để IDI về đích kế hoạch kinh doanh năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Việc tự chủ về vùng nguyên liệu, khép kín chuỗi giá trị sản xuất sẽ giúp Công ty tận dụng được cơ hội từ sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu thủy sản.
Công ty cổ phần Đầu tư TDG Global (mã TDG) cho biết, quý IV/2021, kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu đạt 585 tỷ đồng, tăng 120%; lợi nhuận gộp cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 30 tỷ đồng.
Nhờ kết quả kinh doanh quý IV tích cực, doanh thu cả năm của Công ty đạt 1.458 tỷ đồng tăng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế gần 19 tỷ đồng tăng gấp 19 lần so với con số 1 tỷ đồng của năm ngoái.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư CMC cho biết, năm 2021 đã kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp âm gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính đạt gần 10 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với năm trước đó và chi phí tài chính giảm nên lợi nhuận sau thuế của Công ty ghi nhận hơn 3,3 tỷ đồng.
Theo CMC, năm qua doanh thu tài chính của Công ty tăng mạnh chủ yếu do lãi từ đầu tư chứng khoán. Tổng doanh thu tài chính năm 2021 của CMC đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 6,1 tỷ đồng, tăng 166% so với năm 2020. Thị trường chứng khoán thuận lợi nên Công ty tranh thủ cơ cấu lại danh mục các khoản đầu tư tài chính và các cổ phiếu đang nắm giữ.
Năm 2021, CMC đặt kế hoạch doanh thu 50 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, CMC chỉ hoàn thành 74% kế hoạch về doanh thu nhưng vượt 12% mục tiêu về lợi nhuận.
Hiện các doanh nghiệp đang ngóng chờ những chính sách vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau thời gian dài bị tổn thương vì dịch bệnh. Đó sẽ là cú huých mới để doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng trong năm nay.