Kết quả và tín hiệu khả quan
Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I năm nay cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, thậm chí còn cao hơn mức cả năm của các năm từ năm 2010 trở về trước. Bình quân một tháng đạt hơn 26,133 tỷ USD, trong đó tháng 3/2021 vượt mốc 29,65 tỷ USD - đều là những mức cao nhất từ trước đến nay. Thực tế này làm xuất hiện kỳ vọng sẽ đạt 1 tỷ USD/ngày trong tương lai không xa, cũng là mức cao hơn mức cả năm từ năm 1993 trở về trước.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt rất cao (23,7%), không chỉ so với cùng kỳ các năm trước, mà còn so với tốc độ tăng của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước tăng 9,3% - là tốc độ tăng cách đây mấy năm không phải năm nào cũng đạt được và thể hiện sự cố gắng của khu vực này trong việc khai thác nguồn hàng thuộc thế mạnh ở trong nước, cũng như tranh thủ các thị trường lớn, thị trường mới. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất cao (29,2%), nhờ có thế mạnh về vốn, về khoa học - công nghệ, về hiệu quả và sức cạnh tranh, về thị trường…
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở nhiều mặt hàng. Trong 45 mặt hàng chủ yếu, có 37 mặt hàng tăng, trong đó có các mặt hàng có mức tăng lớn (trên 300 triệu USD trong 3 tháng), lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Mới qua 1/4 thời gian của năm, đã có 23 mặt hàng đạt kim ngạch trên 500 triệu USD, trong đó có 11 mặt hàng trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 4 mặt hàng trên 5 tỷ USD.
Trong 80 thị trường có số liệu chi tiết, quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng có 57 thị trường, trong đó 3 thị trường có mức tăng lớn (trên 500 triệu USD) là Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông. Mới qua 1/4 năm, đã có 28 thị trường đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 15 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 4 thị trường trên 4 tỷ USD, lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhập khẩu đã tăng trở lại, còn có tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu (26,8% so với 23,7%). Điều đó chứng tỏ, nguồn cung cho sản xuất bị đứt gãy một thời gian nào đó, ở một chuỗi cung ứng nào đó… đã được nối lại. Trong 53 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, có 47 mặt hàng tăng, trong đó có những mặt hàng có mức tăng lớn (trên 300 triệu USD), như chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, sắt thép, kim loại thường khác...
Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế xuất siêu. Mức xuất siêu là hơn 2,794 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu là 3,6%. Trong 85 thị trường, Việt Nam ở vị thế xuất siêu với 54 thị trường, trong đó xuất siêu mức lớn (trên 500 triệu USD) với 15 thị trường, lớn nhất là Mỹ (hơn 18,512 tỷ USD)...
Cảnh báo cần thiết
Khu vực trong nước tăng trưởng thấp xa so với tốc độ tăng chung và tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tương ứng là tăng 9,3% so với tăng 23,7% và tăng 29,2%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vốn đã chiếm tỷ trọng lớn hơn, nay lại có tốc độ tăng cao hơn khu vực trong nước, nên tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước hiện ở mức rất cao và cao hơn cùng kỳ năm trước (75,6% so với 72,5%).
Theo địa bàn xuất khẩu, bên cạnh những địa bàn tăng, tăng lớn, cũng còn nhiều địa bàn bị giảm (như Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đắk Lắk, Điện Biên, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Trà Vinh). Bên cạnh những địa bàn có quy mô xuất khẩu lớn, cũng còn khá nhiều tỉnh, thành phố có quy mô rất nhỏ hoặc nhỏ như Điện Biên, Sơn La (dưới 5 triệu USD); Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang (dưới 50 triệu USD); Bạc Liêu, Hòa Bình, Lâm Đồng, Trà Vinh (dưới 100 triệu USD).
Theo thị trường xuất khẩu, có 22/80 thị trường xuất khẩu kỳ này đã bị giảm so với cùng kỳ, trong đó một số thị trường có mức giảm lớn (trên 100 triệu USD) như Nhật Bản, Đài Loan. Một số thị trường (được gọi là chủ yếu) có kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ như Angola, Brunei, Bungary, Kuwait, Croatia, Estonia, Iraq, Kenia, Latvia, Luxembourg, Manta, Mozambique, Na Uy…
Trong 85 thị trường nhập khẩu, có những thị trường tăng rất lớn, như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Brazil, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Australia, Thái Lan. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 50,6% (hơn 8,180 tỷ USD), chiếm 32,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, trong đó một số mặt hàng còn có tỷ trọng tương ứng lớn hơn như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, vải, xơ sợi dệt, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may da…
Tổng số thì xuất siêu, nhưng xuất siêu lại do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (9,611 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu là 16,2%); còn khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu rất lớn (hơn 6,816 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu là 35,8%). Trong 85 thị trường chủ yếu, Việt Nam ở vị thế nhập siêu với 30 thị trường, trong đó có những thị trường Việt Nam nhập siêu lớn, lớn nhất là Trung Quốc (11,7 tỷ USD), tiếp đến là Hàn Quốc (7,47 tỷ USD), Đài Loan (4,02 tỷ USD), Thái Lan (1,7 tỷ USD), Malaysia (1,13 tỷ USD)... Trong các thị trường nhập siêu, có nhiều thị trường ở châu Á, nhiều thị trường không phải là có kỹ thuật - công nghệ nguồn…