Theo một nghiên cứu được công bố ngày 14/2, sự gia tăng "tin giả," bao gồm các thông tin sai sự thật và những lời khuyên giả mạo trên mạng xã hội, có thể khiến dịch bệnh như dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) hiện nay trở nên tồi tệ hơn.
Trong nghiên cứu về việc lan truyền tin giả mạo gây ảnh hưởng như thế nào đến sự lây lan dịch bệnh, các nhà khoa học tại Đại học Đông Anglia (Anh) cho biết mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn chia sẻ tin giả đều có thể giúp cứu được mạng người.
Người đứng đầu nghiên cứu trên, giáo sư y học Paul Hunter, nhận định: "Trong trường hợp dịch COVID-19 (nCoV), đã xuất hiện rất nhiều tin đồn, tin giả và thông tin sai được lan truyền trên mạng Internet về nguồn gốc virus, nguyên nhân cũng như cách thức virus lây lan."
Ông nhấn mạnh: "Tin giả đồng nghĩa với việc lời khuyên xấu có thể được lan truyền rất nhanh và có thể thay đổi cách hành xử của mọi người, khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ lớn hơn."
Nghiên cứu phát hiện rằng nếu giảm 10% số lời khuyên có hại được lan truyền sẽ giúp giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, trong khi ngăn cản 20% số người lan truyền những lời khuyên có hại cũng tạo một tác động tương tự.
Nhóm của giáo sư Hunter tập trung vào 3 dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau, gồm dịch cúm, dịch đậu mùa và dịch virus corona, song cho biết các phát hiện của nghiên cứu này có thể cũng hữu ích trong việc xử lý dịch COVID-19 (nCoV).
Các nghiên cứu này đã được đăng trên nhiều tạp chí chuyên ngành khác nhau số ra ngày 14/2.
Trong một diễn biến khác, tin giả gây ra những lo ngại vô căn cứ đã khiến nhiều người Mỹ gốc châu Á bị kỳ thị và tấn công ở nhiều nơi, từ New York (Mỹ) đến bang New Mexico.
Tin đồn nói rằng họ có mối liên hệ nào đó với virus xuất phát từ Trung Quốc.
Tại khu vực Carson ở Los Angeles, có hẳn một tờ rơi với dấu giả của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng người dân nên tránh xa các doanh nghiệp của người Mỹ gốc châu Á như Panda Express vì sự bùng phát của dịch COVID-19.
Một sinh viên ở Los Angeles đã bị đánh phải nhập viện sau khi các sinh viên khác nói rằng anh là một người Mỹ gốc châu Á nhiễm nCoV.
Người đứng đầu Ủy ban quan hệ con người của hạt Los Angeles, ông Robin Toma cảnh báo việc phân biệt đối xử có thể trở nên tệ hơn vì khả năng virus có thể lây lan trong các cộng đồng ở Mỹ trong nhiều tháng tới.
Trước đó, năm 2003, tình trạng kỳ thị người gốc Á đã bùng lên khi xảy ra dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS), dịch bệnh cũng xuất phát từ Trung Quốc.