Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
Cầu tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng hồi phục trong năm nay, sau khi trải qua một năm giảm do kinh tế đi xuống, sức mua chậm, nợ xấu tiêu dùng tăng...
MBS dự báo, dư nợ của FE Credit có thể đạt 16,1% trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh MBS dự báo, dư nợ của FE Credit có thể đạt 16,1% trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh

Lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng

Mặc dù FE Credit chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023, song theo báo cáo mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), lũy kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận thu nhập hoạt động đạt 17.756 tỷ đồng, giảm 13,8% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng. Song công ty tài chính trên đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy.

Cụ thể, MBS cho biết, trong quý IV/2023, FE Credit ghi nhận 4.234 tỷ đồng thu nhập hoạt động, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,6% so với quý liền trước. Mức giảm này đã cải thiện rất đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% so với cùng kỳ năm 2022 trong quý II và quý III/2023. Trong khi đó, chi phí hoạt động trong quý giảm 32,8% so cùng kỳ năm 2022 và giảm 10,2% so với quý trước.

Đáng chú ý, quý IV/2023 là quý thứ 2 liên tiếp FE Credit ghi nhận chi phí trích lập giảm so với cùng kỳ năm 2022 - đạt 2.162 tỷ đồng, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 1,7% so với quý trước. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý này của Công ty đạt mức 208 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận khoản lỗ 1.774 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của VietCredit ghi nhận, lợi nhuận sau thuế quý này ở mức 155,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 20,3 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao kỷ lục của Công ty. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng lợi nhuận không đến từ mảng kinh doanh chính, mà nhờ khoản thu bất thường từ xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn, thu nhập lãi thuần quý IV/2023 của VietCredit giảm 53,5%, xuống 158,2 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác lại ghi nhận tăng đột biến, mang về hơn 404 tỷ đồng, tăng 804,5%, giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) của VietCredit vọt lên 548,6 tỷ đồng, tăng 47,7%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, phần lớn thu nhập đột biến trên đến từ hoạt động xử lý nợ xấu, với 400 tỷ đồng trong năm 2023. Ngoài ra, chi phí hoạt động giảm 14,6%, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 112,8% so với cùng kỳ, đạt 386,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, do kết quả không khả quan trong hai quý trước đó, lợi nhuận trước thuế cả năm của VietCredit vẫn giảm 66,1%, còn 25,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietCredit đã tăng 4,9% so với đầu năm, đạt 6.852 tỷ đồng; số dư cho vay khách hàng tăng 4,6%, lên 4.621 tỷ đồng. Sau khi gia tăng trong 4 quý liên tiếp, nợ xấu của VietCredit đã đạt đỉnh vào cuối quý IV/2023, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 18,47%.

Kỳ vọng ở năm 2024

Tại Việt Nam có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng đen. Các công ty tài chính đang gặp nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao. Song ngoài những yếu tố khách quan, còn có yếu tố chủ quan, rất nguy hiểm, chưa có chế tài xử lý là khách hàng cố tình “bùng nợ”.

Theo đánh giá của MBS, chất lượng tài sản của FE Credit đã cải thiện đáng kể và có dấu hiệu tạo đáy kể từ quý II/2023 (nợ xấu và nợ nhóm 2 đạt lần lượt 28,4% và 10,3%). Tuy nhiên, việc FE Credit ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế dương trong 2 quý liên tiếp và chất lượng tài sản có dấu hiệu tạo đáy cho thấy, áp lực trích lập trong những quý tiếp theo sẽ giảm dần.

Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ bắt đầu chậm lại và tạo đáy trong quý III/2023 gia tăng thêm kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng dương trong năm 2024 và đóng góp đáng kể vào khả năng sinh lợi của VPBank. MBS dự báo, dư nợ của FE Credit có thể đạt 16,1% trong năm 2024. Giới phân tích dự báo, hoạt động FE Credit sẽ dần ổn định từ nửa cuối năm 2023 và bắt đầu hồi phục từ năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại so với giai đoạn trước và được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.

Ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc VietCredit cho biết, hiện có phân khúc cho vay tiêu dùng sáng, có phân khúc sẽ yếu đi. Trong đó, phân khúc thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa sẽ tăng trưởng tốt. Phân khúc cho vay tiêu dùng mua thiết bị phục vụ nhà cửa, đời sống, mua xe hai bánh, điện thoại sẽ khó tăng trưởng hơn.

Theo ông Hải, với các dự báo kinh tế dần hồi phục và tăng kích cầu tiêu dùng nội địa để đẩy sức mua, các công ty tài chính có kế hoạch đẩy mạnh cho vay trong năm 2024, với mức tăng khoảng 30-40%. Nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp tăng trưởng tín dụng theo các tiêu chí đã định ở mức 14%.

Dù thị trường còn khó khăn, song với chủ trương đẩy mạnh tiêu dùng, trong đó có cả tín dụng, nhằm tăng sức mua…, tín dụng ở phân khúc này được kỳ vọng cải thiện. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho hay, ngân hàng và công ty tài chính cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, sức mua, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cần kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Trước đó, NHNN đã có Văn bản 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với khó khăn của thị trường, thì tình trạng bùng nợ khiến các công ty tài chính “chùn tay”.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro FE Credit cho hay, FE Credit và các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải trong công tác thu hồi nợ. Với tỷ lệ khách hàng vay mà không trả gia tăng nhanh chóng, trong khi chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục