Kiểm soát chặt rủi ro
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành nghề, hàng ngàn lao động bị mất việc, khiến nhiều khoản nợ vay tiêu dùng khó trả đúng hạn. Để hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho khách hàng.
Tính tới giữa tháng 5/2020, HD SAISON đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 1.000 khách hàng, với tổng dư nợ hơn 3 tỷ đồng; miễn giảm lãi suất cho hơn 1.000 khách hàng với tổng số dư nợ là gần 14 tỷ đồng. HD SAISON vẫn đang tiếp nhận số lượng lớn đơn xin hỗ trợ miễn, giảm lãi suất và cơ cấu khoản vay từ khách hàng.
“Đây là nỗ lực chung tay cùng toàn xã hội khắc phục hậu quả Covid-19 trong khi hoạt động kinh doanh của Công ty cũng chịu thiệt hại lớn suốt thời gian qua”, đại diện Công ty cho biết.
Trong khi đó, nhằm bảo vệ các khoản cho vay mới, FE Credit - Công ty tài chính trực thuộc VPBank - chọn cách cắt giảm doanh số ở phân khúc khách hàng rủi ro cao, ưu tiên người dùng hiện có với chất lượng tín dụng tốt nhằm tăng chất lượng tài sản.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thu hồi nợ, sử dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro, tập trung vào nhóm người dùng phân khúc ít rủi ro với các điều chỉnh hợp lý trong chính sách cho vay.
Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, thời gian qua, FE Credit đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro.
Đến thời điểm này, FE Credit mới chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 1% và cũng xác định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trong tháng 6 với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1 - 2%.
Ông Lee Ja-Yong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính Mirae Asset (Việt Nam) - Mirae Asset Finance Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã đẩy mạnh cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đến thời điểm hiện nay, Mirae Asset Finance Việt Nam đã cơ cấu nợ cho 1.200 khách hàng, giảm lãi cho 1.445 khách hàng. Tổng số tiền Công ty tái cơ cấu, hỗ trợ cho khách hàng là 12 tỷ đồng.
“Lúc đầu, Công ty dự tính sẽ hỗ trợ khách hàng từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 6/2020, nhưng giờ kéo dài đến hết tháng 8/2020”, Lee Ja-yong cho biết thêm.
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, theo NHNN, dưới tác động của dịch Covid-19, cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019.
Còn đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành tăng 2,13% so với đầu năm, chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng ngành ngân hàng tăng 5,7%), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Về cơ cấu tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%, tín dụng tiêu dùng cũng giảm.
Lãnh đạo NHNN đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ nợ xấu của ngành sẽ tăng do tác động của dịch Covid-19. Cơ quan quản lý đưa ra tỷ lệ kiểm soát nợ xấu đối với tỷ lệ không quá 5,5%. Lãnh đạo các công ty tài chính cũng thừa nhận, nợ xấu đối với tín dụng tiêu dùng sẽ tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng sẽ không quá nghiêm trọng.
Khó kỳ vọng mục tiêu cao
Kế hoạch tổng thể của VPBank năm nay thận trọng, riêng Ngân hàng năm nay vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng khoảng 15%, nhưng phần sụt giảm đến từ FE Credit. Mọi năm, công ty tài chính đóng góp khoảng 44% vào lợi nhuận hợp nhất nhưng năm nay có thể thấp hơn.
Tổng giám đốc Fe Credit, ông Kalidas Ghose cũng đánh giá, dịch bệnh đã tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống và công ty tài chính cũng không là trường hợp ngoại lệ. Hoạt động cho vay của công ty này đã chậm lại đáng kể.
Song với định hướng kiểm soát rủi ro nên trong thời gian qua, FE Credit đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 6% cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 4,4% như hiện nay.
Công ty sẽ tiếp tục theo con đường tập trung vào các nhóm khách hàng tốt và tăng kiểm soát rủi ro. FE Credit chọn tập trung phục vụ nhu cầu của khách hàng thông qua quy trình tự động hóa.
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, quá trình số hóa diễn ra nhanh hơn, thích nghi với các hoạt động "bình thường mới" và phục vụ người tiêu dùng sau dịch.
Hệ thống cho phép đơn vị lựa chọn phân khúc khách hàng ít rủi ro hơn với các sản phẩm phù hợp. Khi hoàn thành sẽ giúp FE Credit tự động hóa tất cả các tương tác với người dùng, cải thiện trải nghiệm, đảm bảo hiệu quả về chi phí, thời gian tiếp cận thị trường của sản phẩm.
Ngày 25/6, Công ty tài chính VietCredit tổ chức Đại hội đồng cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh có điều chỉnh cho năm 2020.
Theo VietCredit, do tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành ngân hàng, tài chính tiêu dùng và các doanh nghiệp theo từng cấp độ khác nhau, nên Công ty tiếp tục chọn cách lên kế hoạch kinh doanh theo các kịch bản của dịch bệnh.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, VietCredit dự kiến mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng cho năm nay.
Hiện tại, dựa trên những đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, HĐQT VietCredit đã họp và thống nhất kế hoạch tăng trưởng dư nợ lên 3.300 tỷ đồng (trước xóa nợ).
Tại kịch bản giả định với nền kinh tế phục hồi, tâm lý người dân ổn định, các chính sách vĩ mô tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, dòng vốn giữa các định chế tài chính luân chuyển bình thường và các ngành dịch vụ hoạt động trở lại như trước dịch Covid-19, HĐQT VietCredit phấn đấu đạt được mục tiêu doanh thu, lợi nhuận lần lượt 1.086 tỷ đồng, 18 tỷ đồng.
Ông Lee Ja-Yong cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Mirae Asset Finance Việt Nam giải ngân 2.370 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kế hoạch tăng trưởng đưa ra năm nay của Công ty khó có thể đạt được, nhưng cố gắng đạt 90% kế hoạch năm.
Với chủ trương giảm cho vay tiền mặt đối với công ty tài chính theo quy định mới của NHNN, Công ty chuyển sang đẩy mạnh cho vay liên kết với các điểm bán.
Mirae Asset Finance Việt Nam có định hướng mở 8.000 điểm dịch vụ với các điểm bán để giảm thiểu rủi ro và giải ngân có mục đích rõ ràng.
Thực tế, lợi nhuận biên (NIM) trong cho vay của công ty tài chính tăng tương đối tốt so với ngân hàng, tuy nhiên trong năm 2020, lợi nhuận biên của công ty tài chính khó tránh ảnh hưởng do dịch bệnh.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng cho rằng, năm nay, tài chính tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng các năm tới vẫn hết sức lạc quan bởi dư địa để phát triển là rất lớn.