Tín dụng tăng nóng trở lại?

Chỉ 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của hàng loạt ngân hàng thương mại đã lên trên 20%. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù đã hãm đà tăng, song tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vẫn thuộc tốp dẫn đầu khu vực.
Tăng trưởng tín dụng cao nhất thuộc khối ngân hàng TMCP tư nhân, gồm Techcombank, VIB, OCB, TPBank. Ảnh: Đức Thanh Tăng trưởng tín dụng cao nhất thuộc khối ngân hàng TMCP tư nhân, gồm Techcombank, VIB, OCB, TPBank. Ảnh: Đức Thanh

Gần 8 triệu tỷ đồng chảy ra nền kinh tế

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của hơn 20 ngân hàng vừa công bố đều cho thấy mức tăng trưởng cho vay vượt xa con số trung bình chung toàn ngành. Tăng trưởng tín dụng cao nhất thuộc khối ngân hàng TMCP tư nhân, đứng đầu là Techcombank với 28,5%, VIB tăng 28%, OCB tăng 21%, TPBank tăng 20%. Một loạt ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp hơn 20%, nhưng cũng cao hơn mức bình quân chung toàn ngành như LienVietPostBank, Sacombank, SHB, VPBank…

Vậy có hay không tình trạng tín dụng tăng nóng trở lại và tín dụng năm nay liệu có vượt quá chỉ tiêu đề ra đầu năm?

Bất chấp tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng TMCP tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn khẳng định, tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ 9,4%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 9,52% cùng kỳ năm ngoái.

Theo phân tích của các chuyên gia, khối ngân hàng TMCP quốc doanh chiếm gần 50% thị phần toàn hệ thống, nên sự tăng trưởng tín dụng chậm ở một số ngân hàng có thị phần lớn có thể sẽ kéo lùi tốc độ tín dụng chung của toàn ngành. 

fig come hereTốc độ tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng chất lượng đang tăng lên. Tôi đã mổ xẻ kỹ số liệu 3 năm qua và thấy rằng, giai đoạn 2016-2017, vốn tín dụng từ ngân hàng đóng góp 57% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, năm 2018 và 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này chỉ còn 46%.

Đương nhiên, con số chính xác còn phải phụ thuộc vào vòng quay của đồng tiền, song tính sơ bộ là vốn ngân hàng đóng góp vào tổng vốn đầu tư đang giảm, các dòng vốn khác như vốn tư nhân, vốn FDI đang chuyển động tích cực.   

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, BIDV chỉ tăng trưởng tín dụng 9%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Nhiều khả năng, VietinBank còn tăng trưởng tín dụng thấp hơn BIDV.  Riêng Vietcombank và Agribank tăng trưởng tín dụng 9 tháng khả quan (Vietcombank là 11,6%), song nhiều khả năng tốc độ tín dụng cả năm của 2 ngân hàng này chỉ tương đương tốc độ chung toàn ngành. 

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng lớn được kiểm soát, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, nhưng thị phần còn nhỏ, nên không đáng ngại. NHNN cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm những ngân hàng vi phạm về hạn mức tín dụng được cấp. 

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng dự báo, với diễn biến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay, nhiều khả năng, tín dụng cả năm sẽ đạt 14% như dự kiến, chứ không có sự tăng vọt bất thường. 

Rõ ràng, xét về tổng thể toàn hệ thống, dư nợ tín dụng vẫn đang được kiểm soát khá chặt. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, lượng vốn đổ ra nền kinh tế đang tăng rất nhanh. Cụ thể, tại thời điểm tháng 9/2019, dư nợ tín dụng với nền kinh tế đang ở mức 7,87 triệu tỷ đồng, con số này tại tháng 9/2018 là 6,98 triệu tỷ đồng và tháng 9/2017 là 6,16 triệu tỷ đồng. Có nghĩa là trong 2 năm qua, đã có thêm 1,71 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.  

“Tín dụng cả năm tăng 14% là gần như ở mức cao nhất khu vực, tương đương Trung Quốc. Vì quy mô tín dụng nước ta đã ở mức 133% GDP mà tăng trưởng tín dụng như vậy là tương đối lớn”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.

Tăng trưởng vẫn dựa vào vốn

Năm 2019, nếu tín dụng tăng trưởng 14%, có nghĩa có thêm 1 triệu tỷ đồng vốn mới đổ vào nền kinh tế, đưa dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế lên 8,2 triệu tỷ đồng. Đây chỉ là con số dư nợ tuyệt đối, doanh số cho vay có thể cao hơn nhiều tùy thuộc vào vòng quay tiền tệ. Con số này cũng chưa tính đến lượng vốn ngân hàng đổ vào thị trường thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, dù tín dụng tăng trưởng trên hay dưới 14%, thì cũng không phủ nhận được rằng, vốn ngân hàng đang chảy mạnh vào nền kinh tế. Nói cách khác, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn dựa rất lớn vào ngân hàng.

Tuy vậy, điều đáng mừng là, chất lượng tín dụng đã được cải thiện. Theo NHNN, tín dụng đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đến hết tháng 8/2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 6,76%, chiếm tỷ trọng 19,61%. Tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng 9,27%, chiếm 61,8%. Tín dụng với lĩnh vực ưu tiên cũng tăng mạnh và hiện dư nợ cho vay nông nghiệp đã chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%...

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng 14% không phải là cao nếu so sánh với chính Việt Nam những năm trước, song so với các nước, thì đây vẫn là mức tăng trưởng khá nóng. Vì vậy, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu, giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng. Việc kiểm soát mức độ tăng trưởng tín dụng sẽ giúp nền kinh tế và ngành ngân hàng tăng trưởng bên vững, ổn định hơn.

Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này sẽ là thách thức lớn. Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cho thấy, các ngân hàng chưa thể đa dạng hóa nguồn thu mà vẫn sống dựa vào tín dụng. Thậm chí, nhiều ngân hàng có xu hướng tăng mạnh tín dụng trở lại. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần vốn cũng chậm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn là tăng năng suất, áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo… Cả hai yếu tố này tiếp tục làm tăng áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng.

    Hà Tâm
    baodautu.vn

    Tin liên quan

    Tin cùng chuyên mục