Vẫn trong tầm kiểm soát
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, tín dụng bất động sản trên địa bàn Thành phố ước tăng 2%, dư nợ đạt khoảng 350.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ.
Theo ông Minh, việc quản lý vốn tín dụng chảy vào bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát. Trong quá khứ, nhiều ngân hàng đã có được bài học đắt giá về cho vay bất động sản, nhất là trong những cơn sốt đất, do đó, nhà băng hiện rất thận trọng cho vay nhằm tránh nợ xấu. Các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của Ngân hàng Nhà nước và hàng năm, cơ quan quản lý luôn kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhằm tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Số liệu về tín dụng bất động sản trên địa bàn cả nước được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến cuối tháng 3/2021 là 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020, cao hơn không đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế (2,93%).
Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, trên địa bàn cả nước, tính đến ngày 15/3/2021, tín dụng bất động sản tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (2,04%). Năm ngoái, tỷ trọng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 6,8% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tính đến hết quý I/2021, dư nợ bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, ông Tú đề cập vấn đề thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng”, giá cả tại tại nhiều địa phương có chiều hướng tăng. Ông Tú cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.
Về phía ngân hàng, tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực được quản lý chặt chẽ, bởi câu chuyện dịch chuyển dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là nội dung được quán xuyến và quan tâm trong góc độ quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng đều được cảnh báo khi có những dấu hiệu không đảm bảo ổn định, hoặc rủi ro lĩnh vực đầu tư quá lớn.
Tín dụng với bất động sản được chia thành 2 lĩnh vực. Thứ nhất là tín dụng cho các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản, phân khúc thị trường cao cấp, các dự án nghỉ dưỡng, biệt thự… Những đối tượng này được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt và hạn chế. Lĩnh vực thứ hai là tín dụng đầu tư cho thanh khoản của sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bất động sản như nhà cho người thu nhập thấp, phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân.
Ngân hàng thận trọng hơn
Thời gian qua, chứng khoán và bất động sản tăng giá, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm dần, không ít người chuyển hướng đầu tư sang các kênh có khả năng thu lợi cao hơn.
Giám đốc điều hành VinaCapital, ông Andy Ho nhận định, yếu tố lãi suất ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư. Khi lãi suất giảm, nhà đầu tư rút tiền từ vàng, tiết kiệm vào chứng khoán, bất động sản. Lãi suất tiết kiệm hiện giảm mạnh so với đầu năm ngoái khi Ngân hàng Nhà nước đã ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 1,5 - 2%/năm trong năm qua. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 4%/năm; đối với kỳ hạn 6 - 13 tháng, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Lãi suất đầu vào giảm tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Phân tích ngành bất động sản của Chứng khoán VNDIRECT mới đây cho thấy, thị trường này phục hồi diện rộng, một phần nhờ chính sách lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng đưa ra thấp hơn.
Về vấn đề này, các nhà băng cho biết, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dư nợ bất động sản chặt chẽ hơn nhiều so với giai đoạn nhà đất tăng trưởng nóng trước đây và bản thân ngân hàng cũng thận trọng hơn khi cho vay.
Thông tư 22/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm nay tiếp tục siết lại hoạt động cho vay bất động sản khi giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến các ngân hàng hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, mà chủ yếu cho vay mua nhà.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, định hướng năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước là tín dụng tăng khoảng 12%, ưu tiên chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, ngành ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kết quả tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2021 đạt 2,93%, góp phần giúp GDP tăng 4,48%.
Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 1/2021 đạt 0,76%, sang tháng 2 giảm nhẹ xuống 0,66% do dịch Covid-19 bùng phát và tăng lên 2,93% trong tháng 3, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (1,3%).
Theo đó, tín dụng quý I/2021 cơ bản tăng trưởng ổn định, đúng mục tiêu đặt ra đầu năm. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên như tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%, công nghiệp 3,04%. Trong khi đó, tín dụng vào chứng khoán giảm 1%, còn 45.300 tỷ đồng (trước đó, tín dụng lĩnh vực chứng khoán tháng 11, 12/2020 tăng mạnh, sang tháng 1/2021 giảm 10%). Với tín dụng bất động sản, dư nợ đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.
Tại hội nghị trực tuyến sáng 14/4/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, tăng trưởng tín dụng quý I/2021 đạt 2,93%, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát sao để định hướng tín dụng chảy vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không gây lạm phát mạnh. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả.
“Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro. Rủi ro của tổ chức tín dụng cũng là rủi ro với cả hệ thống ngân hàng”, bà Hồng nói.