Tín dụng: Khó từ bên vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến ngày 11/10/2023 là 6,29%, thấp hơn so với mức 6,92% tính đến cuối tháng 9 và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%), trong khi mục tiêu cả năm là 14 - 15%.
Mặt bằng lãi suất huy động của ngành ngân hàng giảm mạnh, kéo theo lãi suất cho vay giảm, nhưng tín dụng vẫn khó tăng Mặt bằng lãi suất huy động của ngành ngân hàng giảm mạnh, kéo theo lãi suất cho vay giảm, nhưng tín dụng vẫn khó tăng

Dòng vốn chậm chảy

Nền kinh tế nhìn chung vẫn đang khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Bởi lẽ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Theo Công ty Chứng khoán MB, thị trường bất động sản là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, nhưng tiếp tục trầm lắng, sau khi nửa đầu năm ghi nhận số lượng giao dịch giảm 40%, số lượng dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 990/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Công điện nêu rõ, tình hình tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, đến ngày 11/10/2023 mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm (14 - 15%); thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75,5% dự toán năm.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy nguồn lực, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, rà soát kỹ và triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản...

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022.

Giảm lãi vay vẫn khó kích cầu tín dụng

Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế năm nay có khả năng chỉ đạt 12 - 13% so với mục tiêu mà ngành ngân hàng đề ra là 14 - 15%.

Hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng nhận định, dư nợ toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Con số này thấp hơn 0,2% so với kỳ vọng trong kỳ điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng quý III/2023.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng dự kiến, bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm từ 0,26 - 0,35%/năm trong quý cuối năm.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng hiện dưới 6%/năm, lãi suất cho vay là 8%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét, tín dụng khó khơi thông lúc này không còn do lãi suất cao, mà là do có nhiều yếu tố từ nội tại người vay. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm do không biết vay để làm gì khi sản phẩm đầu ra chưa khởi sắc.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng chia sẻ, lãi suất cho vay mua nhà giảm còn 7%/năm trong 2 năm đầu, nhưng ngân hàng vẫn khó cho vay. Bởi lẽ, thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng...

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan này đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; đảm bảo duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành; hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép ngân hàng cho vay online, cho phép doanh nghiệp được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Theo ông Tú, nguyên nhân chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, nhiều doanh nghiệp phản ánh, lãi suất thấp hơn nữa thì họ cũng không vay, vì không biết dùng vốn vay để làm gì.

Bên cạnh tình trạng ngân hàng “ế” vốn thì cũng có không ít doanh nghiệp “khát” vốn, nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay, khiến ngân hàng “đỏ mắt” tìm doanh nghiệp tốt để giải ngân.

Thực tế cho thấy, sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay…, lãi suất cho vay từng bước được các ngân hàng cắt giảm. So với đầu năm nay, lãi suất cho vay hiện giảm 1 - 4%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp và giảm 1 - 3%/năm đối với khách hàng cá nhân, song các nhà băng vẫn khó có thể kỳ vọng sẽ kích thích mạnh nhu cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, nếu phía cầu không có thì đẩy mạnh vốn hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh, đó chính là lý do chính khiến hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền. Do đó, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế năm nay có khả năng chỉ đạt 12 - 13% so với mục tiêu mà ngành ngân hàng đề ra là 14 - 15%.

“Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất - kinh doanh mới. Vì thế, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Cần thêm giải pháp kích cầu, thay vì tập trung kích cung vốn”, TS. Huân nói.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục