Tín dụng tăng chậm giai đoạn cạn room
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến cuối tháng 8/2022, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm 2020 - 2021. Trước đó, tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 15/8 tăng 9,62%. Như vậy, từ tháng 7 tới giữa tháng 8, tín dụng chỉ tăng thêm 0,27%. Trong khi đó, nửa đầu năm nay, tín dụng tăng trung bình gần 1,6%/tháng.
Nhìn chung, tín dụng tăng chậm lại đáng kể trong 2 tháng qua, khi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, không ít ngân hàng đã phải bán bớt trái phiếu doanh nghiệp để có thêm dư địa tăng trưởng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước đạt trên 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng 7 và tăng 11% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối tháng 7 và tăng 12,77% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,39% so với cuối tháng 7 và tăng 8,91% so với cùng kỳ.
Ông Lệnh cho rằng, mức tăng 11% trong 8 tháng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vài năm gần đây, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế nói chung, TP.HCM nói riêng. Tuy vậy, diễn biến tín dụng hàng tháng cho thấy, mức tăng trên địa bàn TP.HCM có xu hướng chậm lại trong 2 tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 6/2022, tín dụng trên địa bàn tăng 10,02% so với cuối năm 2021, bình quân mỗi tháng tăng 1,7%, nhưng mức tăng bình quân trong tháng 7 và 8 chỉ là 0,5%.
Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng chậm lại không ngoài lý do chung của cả nước là nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cấp từ đầu năm, buộc phải co kéo trong hạn mức ít ỏi để hỗ trợ khách hàng. Room tín dụng hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% rất chậm. Doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn đến nay chỉ mới đạt hơn 276 tỷ đồng cho 17 khách hàng và số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 480 triệu đồng, chủ yếu thực hiện trong tháng 8/2022.
Trong khi đó, nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp chuẩn bị đơn hàng, kế hoạch kinh doanh phục vụ mùa vụ lễ, tết cuối năm ở mức cao.
Room tín dụng được nới không nhiều
Room tín dụng được nới không nhiều, trong khi hạn mức trước đó đã được các ngân hàng sử dụng hết.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu năm 2022 mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Từ các chỉ tiêu này, cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% từ đầu năm, bối cảnh nền kinh tế khi đó chưa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như xung đột Nga - Ukraine, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu... Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức được giao đầu năm. Hiện tại, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế cho thấy, 15 ngân hàng đã được nhận thêm room tín dụng trong ngày 7/9 vừa qua, song tỷ lệ nới thêm không nhiều, bởi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước vẫn là kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 14% năm 2022.
Cụ thể, hạn mức tín dụng được cấp thêm của các ngân hàng như sau: Sacombank 4%, Agribank 3,5%, HDBank 3,4%, MB và SHB cùng ở mức 3,2%, OCB 3,1%, VIB 3%, Techcombank và Vietcombank cùng ở mức 2,7%. Sáu nhà băng khác được nới thêm room tín dụng quanh mức 1%.
Đây là lần đầu tiên trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng. Các năm trước, nhà điều hành thường thực hiện 1 - 2 đợt nới room tín dụng trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Do room tín dụng năm 2022 được nới không nhiều và phần lớn các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay trong nửa đầu năm và hạn mức cũ đã sử dụng hết, nên dư địa cho vay từ nay đến cuối năm nhìn chung vẫn hạn chế.
Vietcombank cho biết, room tín dụng mới cho năm 2022 sau khi được cấp thêm 2,7% là 17,7%. Tuy nhiên, đến hết tháng 8/2022, Vietcombank đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 14,7%. Do đó, Ngân hàng còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng trong 4 tháng còn lại của năm.
Tại Sacombank, tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, với room tín dụng được cấp thêm 4%, lên 11%, nhà băng này còn dư địa cho vay mới hơn 15.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho hay, room tín dụng được cấp thêm sẽ ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả... Đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng tiếp tục hạn chế cho vay, nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.
Room tín dụng được cấp mới không cao như kỳ vọng nên lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, sẽ cố gắng “xoay xở” để mở rộng dư địa cho vay mới. Đầu tiên là tập trung thu hồi các khoản nợ đã đến hạn, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng. Thứ hai là đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tức chỉ xem xét cho vay ngắn hạn, các khoản cho vay tiêu dùng trong 1 - 3 tháng, hạn chế cho vay dài hạn. Bên cạnh đó, nhằm tăng thu ngoài lãi, ngân hàng sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, kinh doanh bảo hiểm…
Ông Tú cho hay, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này vẫn dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, đẩy lùi “tín dụng đen”.