Các ngân hàng đã xác nhận room tín dụng vừa được điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng đã tiết lộ mức room tín dụng vừa được điều chỉnh.
SHB nhận room tín dụng điều chỉnh là 3,2% SHB nhận room tín dụng điều chỉnh là 3,2%

Ngày hôm qua (7/9), NHNN đã gửi thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của NHNN tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Như vậy, ngoài hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được cấp từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã được cấp thêm hạn mức để có thể giải ngân thêm. Room tín dụng là một công cụ điều hành có tính hành chính của NHNN, nhưng được coi là hiệu quả và được sử dụng nhiều năm trở lại đây.

Do việc cấp thêm hạn mức được thực hiện theo kênh trực tiếp, NHNN gửi thông báo về từng ngân hàng nên số liệu tổng hợp trên thị trường về mức tăng room rất được quan tâm, không chỉ với các doanh nghiệp đang quan hệ trực tiếp tại từng ngân hàng mà còn giữa các ngân hàng với nhau.

Theo thông tin ban đầu thì có 15 ngân hàng được NHNN cấp thêm room tín dụng lần này.

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về tỷ lệ room được điều chỉnh tăng lần này là 3%? Đại diện VIB xác nhận đây là thông tin chính xác. Tương tự, lãnh đạo Agribank cũng xác nhận với Đầu tư Chứng khoán room được điều chỉnh của Ngân hàng lần này là 3,5% và của VPBank là 0,7%.

Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp SHB cho biết, room được điều chỉnh của Ngân hàng lần này là 3,2%. Còn tại LienVietPostBank, đại diện Ngân hàng cho biết, tỷ lệ được điều chỉnh lần này là dưới 1% và TPBank là 1,2%.

Một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cũng đã xác nhận tỷ lệ room được điều chỉnh lần này là 2,7%. Tương tự, một lãnh đạo cao cấp của MBB cũng xác nhận tỷ lệ này tại Ngân hàng là 3,2%. Đây là điều khá bất ngờ khi trước đó, thị trường dự báo tỷ lệ được điều chỉnh của Vietcombank và MBB sẽ cao nhất trong hệ thống, bởi nhận hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, phù hợp với tiêu chí nới room của NHNN.

Còn ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh được cho biết cao nhất 4% trong đợt này là Sacombank. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo ngân hàng này xác nhận và cho biết: “Có vẻ thông tin này không còn “mật” nữa”.

Lãnh đạo OCB xác nhận của con số nới room thêm 3,2%.

Lãnh đạo NHNN cho biết, trên căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, NHNN đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Cũng theo NHNN, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong những năm qua, NHNN đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục