Tín dụng khó tăng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
Mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm trong khi đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp tắc nghẽn khiến tín dụng khó tăng mạnh cuối năm.
Các ngân hàng cho rằng, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để kích cầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng... Các ngân hàng cho rằng, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để kích cầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng...

Thu hẹp kỳ vọng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 27/6, tín dụng tăng 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so với cùng kỳ năm 2022. Về cơ cấu tín dụng, trong 5 tháng đầu năm 2023, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng 14%, nhưng tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32% (trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%).

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. So với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 là 9,3%, thì mức tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ bằng khoảng 1/3.

Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2023 cho thấy, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II/2023 cải thiện chậm hơn đáng kể so với quý trước, lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng nhẹ nhưng thấp hơn so với mức kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Đáng nói là, các tổ chức tín dụng thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới.

Đánh giá triển vọng năm 2023, có 88,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Sau 4 lần NHNN hạ lãi suất điều hành, thị trường và các tổ chức phân tích vẫn kỳ vọng, NHNN sẽ hạ thêm 0,5 điểm %, đưa lãi suất điều hành về 4% trong quý III/2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đã khác nhiều, lãi suất cho vay khó có thể quay về thời tiền rẻ như mức thời Covid-19.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright cho rằng, vẫn có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay vẫn ở mức thấp. Thời điểm này, vẫn còn dư địa giảm lãi suất, nếu không có dư địa thì có chỉ đạo cũng khó có thể thực hiện.

Cần thêm trợ lực

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, mặt bằng lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện. Bên cạnh đó, các thông tư mang tính hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường mới ban hành được dự báo sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng.

Cụ thể, Thông tư 02/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 24/4/2023 tới 30/6/2024 cung cấp công cụ giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng trong thời hạn tối đa 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được khấu hao trong 2 năm.

Ngoài ra, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu, thanh khoản tại các ngân hàng đang dư thừa.

Tuy nhiên, khi tổng cầu suy giảm, bên cạnh việc tác động vào cung tiền và giá vốn, các ngân hàng cho rằng, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để kích cầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng...

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trước bối cảnh kinh tế khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, kéo theo nợ xấu tăng, mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước.

Khoảng 60-70% doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội cho biết, họ bị sụt giảm doanh thu năm nay. Vì vậy, dù NHNN liên tiếp hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề, nên sức khoẻ cũng yếu đi, không đủ đáp ứng điều kiện về tín dụng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cần quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận bán tài sản nếu cần để giải quyết đúng các cam kết trả nợ. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024, đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động, như xem xét tạm dừng các dự án không cấp bách, ưu tiên các dự án đã cam kết với nhà đầu tư…

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục