Lãi suất, một nửa vấn đề!
Nếu như năm 2022, room tín dụng là câu chuyện nóng khi một loạt ngân hàng chạm trần cho vay thì năm nay “gió đã đổi chiều”, tín dụng không còn giữ vai trò trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi sức hấp thụ vốn kém.
Cụm từ “lãi suất vay cao khiến doanh nghiệp gặp khó” được đề cập liên tục trên các phương tiện truyền thông, cùng với tăng trưởng tín dụng thấp… có lẽ là sức ép đối với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Theo đó, ngày 14/3/2023, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có tín hiệu sẽ dừng tăng lãi suất. Tính đến giữa tháng 6/2023, cơ quan này đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại dần cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng.
Nhiều ngân hàng đã giảm đồng loạt 0,5 - 1%/năm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; giảm từ 1%/năm trở lên với các khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm, bổ sung vốn lưu động, hoặc vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đáng lưu ý, thời điểm HUBA công bố khảo sát trên có đưa ra dự báo, đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ tốt lên kể từ quý II/2023, nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy.
Tính đến cuối tháng 6/2023, GDP tăng 3,72% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,46% của nửa đầu năm 2022 cũng như mục tiêu 6,5% cho năm 2023.
“Như đã diễn ra kể từ đầu năm nay, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tăng trưởng ảm đạm tiếp tục là do hoạt động sản xuất và nhu cầu bên ngoài sụt giảm”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét.
Ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Âu chia sẻ, nếu nói rằng những nỗi lo hiện nay của các doanh nghiệp hoàn toàn do lãi suất cao là không đúng, bởi nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, hay nói cách khác, nhu cầu của nền kinh tế giảm, tức một phần lý do ở trong nước. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu, tình trạng xuất khẩu giảm sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
“Nhiều doanh nghiệp cần lãi suất hạ, nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất thì chỉ lãi suất hạ thôi là chưa đủ. Những doanh nghiệp có khoản vay cũ có nhu cầu hạ lãi suất, còn doanh nghiệp sản xuất có doanh thu giảm 60 - 70% thì vay mới để làm gì? Không có đơn hàng thì sản xuất gì?”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, ngân hàng đã dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay 5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng gần như không cho vay được. Doanh nghiệp đang vay thì đều đặn đến thanh toán khoản vay, khi đến hạn cũng không vay thêm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, nguyên nhân tín dụng tăng chậm là do kinh tế có nhiều khó khăn, dẫn tới nhu cầu đầu tư giảm, nhu cầu tiêu dùng thấp; hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tồn kho nhiều, đơn hàng ít…
“Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, có những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, ngân hàng mời vay, nhưng lại chưa có nhu cầu vay”, ông Tú nói.
Kỳ vọng lãi suất giảm thêm và tín dụng tăng tốc
Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng, với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Mặc dù lãi suất liên tục hạ và lãi suất được nhận diện không phải là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5%/năm, xuống 4%/năm trong quý III/2023 (trở về mức tương tự như trong những năm đại dịch Covid-19) và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng các kỳ hạn vay, bao gồm hoãn trả nợ (lên đến 12 tháng) với lãi suất vay hợp lý.
“Những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 0,5%/năm do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn hiện hữu”, ông Tim Leelahaphan nói.
Đồng quan điểm, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5%/năm trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4%/năm. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch”.
Xung quanh vấn đề này, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB nhận định, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023, dựa trên một số yếu tố: xuất khẩu có khả năng phục hồi mức tăng trưởng dương, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng trở lại sau khi mở cửa; hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân; các chính sách tài khoá như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng; thị trường bất động sản được kỳ vọng phục hồi từ quý IV năm nay khi Bộ Xây dựng tích cực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của các dự án đang triển khai, cũng như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.
“Bên cạnh đó, huy động vốn nửa đầu năm 2023 tăng tích cực 4,2%, đồng tốc với tín dụng đạt quy mô tương đương, có nghĩa là thanh khoản dồi dào để các ngân hàng có thể cho vay”, bà Hiền nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, xét về điều kiện đủ, nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất cho vay thấp hơn, cùng với đó là Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thuế giá trị gia tăng giảm 2% trong nửa cuối năm 2023.
“Chúng tôi tin rằng, các ngân hàng thương mại quốc doanh, với lợi thế cạnh tranh là một trong những kênh phân phối nguồn vốn chính của Chính phủ, sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công và có thể nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác trong ngành”, bà Thanh nói.
Theo bà Thanh, Techcombank, HDBank, VPBank, MBBank, Vietcombank có thể sẽ đạt tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2023 so với các ngân hàng cùng ngành nhờ thanh khoản dồi dào (Techcombank, MBBank), bộ đệm vốn tốt (VPBank, Techcombank) và kế hoạch hỗ trợ trong việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém (Vietcombank, HDBank, MBBank).
Đáng chú ý, Thông tư 06/2023/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành bổ sung một số quy định đối với các nhu cầu vốn không được cho vay, bao gồm đảo nợ, để gửi tiền, thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết, thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc bổ sung quy định trên sẽ giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại thường chỉ giám sát lợi tức cố định và mục đích giải ngân của các khoản vay, chứ không kiểm soát được tình hình kinh doanh hay nguồn trả nợ của bên nhận vốn góp (đối với các khoản vay để góp vốn), nên việc cho vay với các khoản vay góp vốn sẽ dẫn đến rủi ro tiềm ẩn về tính hiệu quả của các khoản vay, cũng như tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu trong tương lai.
“Với việc quy định cho vay thắt chặt thêm, tôi cho rằng, Thông tư 06/2023/TT-NHNN có thể làm chậm lại tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, nhưng dài hạn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Cùng với lãi suất cho vay giảm, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 và đạt 10% so với cùng kỳ tại cuối năm 2023, thấp hơn so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước”, bà Thanh nhận định.
Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng, với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.