Tín dụng đen phức tạp tại Tây Nguyên, ngành ngân hàng có riêng một hội nghị tháo gỡ

(ĐTCK) Tại Pleiku, Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen. Tham dự Hội nghị có các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo UBND và các sở ngành 8 tỉnh (5 tỉnh Tây Nguyên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi), các TCTD.
Tín dụng đen phức tạp tại Tây Nguyên, ngành ngân hàng có riêng một hội nghị tháo gỡ

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến cuối tháng 12/2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7.211.457 tỷ đồng, tăng 13,93%, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 1,78 triệu tỷ đồng tăng 21,4%. Toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt khoảng 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 78%. 

Riêng tại khu vực Tây Nguyên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 2/2019 ước đạt 325.750 tỷ đồng, chiếm 4,52% dư nợ toàn quốc; trong đó dư nợ phục vụ các nhu cầu đời sống đạt 42.282 tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp, nông thôn ước đạt 197.123 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng cho 525.000 hộ gia đình, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại NHCSXH.

Mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đầu tư tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng đối với người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân. 

 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen hoành hành, tiếp theo các giải pháp đã đề ra tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/12/2018 do NHNN tổ chức, Hội nghị ngày hôm nay các đại biểu đã tiếp tục bàn rất cụ thể cách triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng đủ và kịp thời vốn phục vụ sản xuất, nhu cầu tiêu dùng cho người dân.

Theo đó, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen. 

Là một trong hai đơn vị được giao nhiệm vụ trọng yếu cung cấp tín dụng tại khu vực nông thôn và người nghèo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày; NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… 

Cụ thể hơn, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, Ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các chính sách theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Nghiêm túc chỉ đạo đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, tiếp tục phối với chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân có thể tiếp cận nhanh nhất các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong đó có chương trình tín dụng tiêu dùng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cấp bách của khách hàng.

Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư sẽ tổ chức cuộc Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vào hồi 9h ngày 15/3 (thứ Sáu) tại trụ sở Báo Đầu tư – 47, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu hiện nay gồm TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành BASICO, và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn hiện nay.

Đồng thời, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hoá các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng như: cho vay qua tổ vay vốn thông qua các tổ chức hội, cho vay hạn mức tín dụng quy mô nhỏ đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ. Áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và đem lại nhiều tiện ích tới khách hàng.

“Đặc biệt, Agribank tiếp tục mở rộng việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trong thời gian tới với mục tiêu mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, ông Vượng nhấn mạnh.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc cho biết tập trung chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nguyên thực hiện kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực huy động các nguồn vốn, trong đó, quan tâm tới nguồn vốn nhận ủy thác của các địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.

 Toàn cảnh Hội nghị

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng thụ hưởng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay đối với một số chương trình tín dụng. Song song với đó, tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, trong đó chú trọng và không ngừng nâng cao công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền; tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thực hiện niêm yết công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay tại các điểm giao dịch xã; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng…

“Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong khu vực Tây Nguyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi bằng ngôn ngữ phổ thông và ngôn ngữ của đồng bào địa phương; công tác bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng; quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả…”, ông Lý nhấn mạnh.

Thời gian qua, NHNN trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, cụ thể như:

- Ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp;

- Đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, nơi dễ phát sinh nạn cho vay nặng lãi, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ dân sản xuất nông nghiệp lên tối đa 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình có đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, hạn chế việc người dân (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số) tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.

- Triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp để hộ trợ người dân như: (i) Cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; (iii)  Cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên,...

- Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phê duyệt thí điểm mô hình ngân hàng lưu động tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được chấn chỉnh, phát triển nhằm phát huy hiệu quả và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật;

- Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn ngân hàng; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ, áp dụng cho vay qua sổ,...; đa dạng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu vốn nhỏ lẻ của người dân. 

- Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục