Tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại

Trong nửa đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng đã phục hồi, nhưng đà tăng đang có dấu hiệu chậm lại do Covid-19 tái bùng phát.
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 21/6 đạt 5,47% so với cuối năm 2020.

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 21/6 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Con số này cao gấp đôi mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước (2,45%), nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch (nửa đầu năm 2019 tăng 7,4%).

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, dự kiến đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 5,5 - 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên tăng 4,9%, nhưng có sự khác biệt giữa các nhóm. 3/5 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế, như tín dụng xuất khẩu tăng 9%, tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%. Trong khi đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho vay nông nghiệp - nông thôn tăng yếu, với mức tăng tương ứng là 3,9% và 4,8% so với cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong nửa cuối năm, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các chính sách, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trước diễn biến phức tạp của Covid-19.

Trong khi đó, báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong tháng 6/2021, các khoản vay mới tiếp tục được mở rộng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước do bùng phát Covid-19.

Theo số liệu của VDSC, tính đến tháng 5/2021, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu trả nợ cho 257.602 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ trị giá 337.000 tỷ đồng (khoảng 3,5% tổng dư nợ); hỗ trợ 676.690 khách hàng (với dư nợ 1,28 triệu tỷ đồng) bằng cách miễn, giảm lãi đối với các khoản nợ hiện có và khoanh, miễn trả nợ. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho 480.839 khách hàng với dư nợ 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 36,5% tổng dư nợ.

NHNN cho biết, sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ để tiếp sức cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo VDSC, tốc độ tăng cung tiền chậm lại cho thấy, NHNN chưa sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu mở rộng tín dụng có chọn lọc.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế. Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo cập nhật của DVSC, đã có 10 ngân hàng đề xuất nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng NHNN vẫn đang cân nhắc đề xuất này nhằm đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng như đáp ứng cầu vốn của nền kinh tế.

Mặc dù không ít ý kiến cho rằng, cần bỏ hạn mức tín dụng cấp cho ngân hàng, mà cần dựa vào tỷ lệ an toàn vốn (CAR) để cấp room cho vay đối với nhà băng, song Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, với đặc thù vốn dòng tín dụng ngân hàng là dòng vốn chủ yếu cung cấp cho nền kinh tế, nên giải pháp điều hành tín dụng bằng chỉ tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục