Tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều người có nhu cầu vay đột xuất nhưng không thể vay vốn ngân hàng, nên tín dụng đen có cơ hội hoành hành, gây ra nhiều hệ lụy. Sự phát triển của các công ty tài chính đã và đang góp phần đẩy lùi vấn nạn này.
Tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Vay vốn ngân hàng không dễ

Khi tiếp cận vay vốn ngân hàng, người vay thường phải chứng minh được thu nhập, trải qua các quy trình xử lý kéo dài, cung cấp nhiều loại giấy tờ... Hơn nữa, ngân hàng chủ yếu cho vay thế chấp, nếu cho vay tín chấp thì ngân hàng sẽ hướng đến các khách hàng có thu nhập từ lương chuyển khoản qua ngân hàng, hoặc phải có hợp đồng lao động, mức lương tương đối cao so với mặt bằng chung, nên không phải ai cũng được vay.

Trong khi đó, nhiều người có nhu cầu tín dụng là lao động phổ thông, lao động tự do, không có tài sản thế chấp, không có hợp đồng lao động và không nhận lương qua chuyển khoản ngân hàng.

Vì thế, tín dụng đen nở rộ, nhắm đến những người đang cần tiền gấp mà không thể bấu víu vào ngân hàng. Đa số người dân biết tín dụng đen là bất hợp pháp, có lãi suất “cắt cổ” và thường do đối tượng “xã hội đen” điều hành, nhưng vẫn vay vì cho rằng đây là giải pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bản thân.

Cần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng…

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, không thị trường tài chính nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân nếu chỉ có hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng tín chấp, với các khoản vay nhỏ lẻ trong thời gian ngắn. Để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng một cách lành mạnh và hợp pháp, việc phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là cần thiết. Tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, người dân vay tiêu dùng từ ngân hàng, công ty tài chính như là một thói quen, họ hiếm khi phải tìm đến tín dụng đen.

Đẩy lùi tín dụng đen không chỉ đơn thuần là cung cấp các khoản vay, mà quan trọng hơn, phải tăng cường cung cấp kiến thức tài chính cho người dân, cũng như định hướng họ sử dụng khoản vay theo hướng tích cực.

Đối với Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dần được thành lập trong hơn 10 năm qua, góp sức cùng các quỹ tín dụng nhân dân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, nhưng vấn nạn tín dụng đen vẫn nhức nhối trong xã hội.

Theo ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FE Credit, không chỉ đối với khách hàng cá nhân mà Công ty còn triển khai nền tảng số phục vụ nhóm khách hàng tiểu thương quản lý tài khoản và thanh toán hàng hóa trên thiết bị di động trong hạn mức tín dụng được cấp. FE Credit đã ra mắt chương trình “tiền mặt nhanh”, cho phép khách hàng có thể giải ngân tiền mặt trong hạn mức thẻ tín dụng thông qua kênh chi hộ tại hơn 2.000 chi nhánh bưu cục trên toàn quốc và Công ty tích cực mở rộng mạng lưới đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay.

Các công ty tài chính xác định, đẩy lùi tín dụng đen không chỉ đơn thuần là cung cấp các khoản vay, mà quan trọng hơn, phải tăng cường cung cấp kiến thức tài chính cho người dân, cũng như định hướng họ sử dụng khoản vay theo hướng tích cực. Trong đó, việc nỗ lực số hóa hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả xử lý các đề nghị vay, tăng cường quản trị rủi ro và giảm chi phí hoạt động luôn là mục tiêu trọng tâm được công ty đặt ra. Điều này cũng sẽ giúp công ty phục vụ khách hàng tốt hơn và nhiều hơn khi nhu cầu vốn gia tăng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Các công ty tài chính đang nỗ lực kết hợp với các nhà bán lẻ tại địa phương đẩy mạnh truyền thông, giúp người tiêu dùng biết đến các dịch vụ tài chính thiết thực của tín dụng tiêu dùng để tránh vướng vào tín dụng đen.

… và thúc đẩy tín dụng tiêu dùng lành mạnh

Nhằm đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh được xem là một trong những giải pháp trụ cột. Bên cạnh nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông và tổ chức tín dụng cũng phải vào cuộc quyết liệt. Khách hàng cần được tiếp cận các nguồn thông tin chính thống để nâng cao nhận thức về tác hại của tín dụng đen và biết đến các giải pháp thay thế.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này. Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh, nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng cá nhân gia tăng là điều khó tránh khỏi, do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Trong một báo cáo công bố mới đây, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Moody's lo ngại về cú sốc kinh tế do Covid-19 có thể gây tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính tiêu dùng do hồ sơ của người vay đa phần rất rủi ro. Theo Moody's, các công ty tài chính tốp đầu như FE Credit, Home Credit, SHB Finance đều có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp, nhắm vào phân khúc khách hàng thu nhập thấp. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Hơn nữa, thất nghiệp có nguy cơ gia tăng sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của nhóm khách hàng phân khúc này, do nguồn thu nhập bị hạn chế, thiếu ổn định.

Theo các chuyên gia, tài chính tiêu dùng phát triển sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán được hàng hóa, người có nhu cầu nhưng chưa có đủ nguồn tài chính có thể mua được. Khi đó, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn. Cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, không chỉ thúc đẩy chung cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung trên cả nước tính đến cuối năm 2020 ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm công ty tài chính tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ.

Một số công ty tài chính có nhiều khách hàng như FE Credit, thành lập năm 2010 từ Khối Tín dụng tiêu dùng trực thuộc VPBank, đến nay Công ty đã phục vụ hơn 11 triệu khách hàng. Đây là đơn vị tài chính tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công nền tảng cho vay kỹ thuật số mang tên $NAP.

Tương tự, Home Credit Việt Nam đã cung cấp hơn 11 triệu khoản vay cho trên 10 triệu khách hàng tại Việt Nam trong hơn 10 năm hoạt động.

Với HD Saison, hơn 10 năm qua, Công ty đã mở rộng mạng lưới giới thiệu dịch vụ về nông thôn, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, thay vì tập trung ở các đô thị lớn. Hiện Công ty có mạng lưới hơn 14.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên cả nước.

Vi Anh
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục