Tín dụng bất động sản bắt đầu thông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không còn quá thận trọng như năm trước, giờ đây ngân hàng bắt đầu mạnh dạn giải ngân vốn cho các dự án bất động sản…
Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được bơm vốn Nhiều dự án triển khai trở lại sau khi được bơm vốn

Nhiều dự án được “bơm” vốn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 13/12/2023, tín dụng mới tăng 9,87% so với cuối năm 2022 - thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 và còn cách khá xa so với mục tiêu cả năm là 14,5%. Đó là điều bất thường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay giảm khá mạnh sau khi cơ quan này 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm 2023, bởi theo lý thuyết, lãi suất giảm sẽ kích thích nhu cầu tín dụng tăng.

Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng yếu được chỉ ra là do nền kinh tế suy giảm, kéo thu nhập giảm, khả năng trả nợ của khách hàng cũng vì vậy mà suy yếu…, đặc biệt là khu vực hút vốn tín dụng lớn nhất là thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm. Dẫu vậy, những tháng cuối năm 2023 đã cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đạt được thỏa thuận tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng với các ngân hàng.

Chẳng hạn, cuối tháng 12/2024, BIDV Mỹ Đình và Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương tín (TTC Land) đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng. Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, cho biết từ năm 2024, TTC Land sẽ triển khai những dự án trọng điểm, bao gồm TTC Plaza Đà Nẵng. Các sản phẩm bất động sản của TTC Land trong chiến lược giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ gồm bất động sản dân dụng, bất động sản thương mại và bất động sản nghỉ dưỡng sức khỏe. Việc tiếp cận được dòng vốn tín dụng sẽ giúp TTC Land đẩy nhanh hơn tiến độ dự án và kỳ vọng thu về được dòng tiền ổn định.

Cùng thời điểm, VietinBank cũng ký kết hợp tác với Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Khởi Thành để giúp doanh nghiệp trả nợ cho người mua nhà tại dự án Paris Hoàng Kim, đồng thời mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án này. Dự án tọa lạc tại TP. Thủ Đức, TP.HCM, đã hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao cho cư dân vào ở.

Trước đó, cuối tháng 11/2023, Công ty Bất động sản Phát Đạt được cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỷ đồng từ MBBank nhằm hỗ trợ chủ đầu tư và khách hàng mua sản phẩm tại 2 dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (tỉnh Bình Dương). Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên đến hơn 10.800 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu triển khai từ đầu năm nay.

Ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết, việc nhận được gói tín dụng từ MBBank là một bước tiến quan trọng giúp Phát Đạt nâng cao tiềm lực tài chính và đảm bảo tiến độ xây dựng cũng như bàn giao dự án. Ngoài ra, việc được bảo lãnh bởi MBBank cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc sở hữu các sản phẩm và tối ưu hóa lợi ích đầu tư.

Bên cạnh Phát Đạt, MBBank còn cam kết gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho dự án NovaWorld Phan Thiet của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Ngoài ra, chủ đầu tư này còn hợp tác với VPBank để tái khởi động dự án Aqua City Đồng Nai. Với nguồn vốn tài trợ từ các ngân hàng, sức sống đã trở lại các dự án của Novaland tại nhiều địa phương như TP.HCM, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Cùng với đó, tình hình tài chính của chủ đầu tư này cũng dần được cải thiện sau khi nhiều khoản trái phiếu được gia hạn, một số trái chủ đồng ý hoán đổi nợ thành sản phẩm bất động sản. Novaland cũng mới thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để tái cấu trúc nợ và bổ sung nguồn vốn cho các dự án.

Đà hồi phục rõ nét hơn từ cuối năm 2024

Doanh nghiệp địa ốc vừa là đối tác, vừa là khách hàng của ngân hàng, người mua nhà tại các dự án bất động sản cũng là khách hàng của ngân hàng, nên đây là lĩnh vực rất được ngân hàng quan tâm.

Nhìn chung, dù còn đối mặt với nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang xuất hiện ngày một nhiều hơn những tín hiệu tích cực, trước tiên là câu chuyện giải ngân vốn tín dụng từ ngân hàng.

Trên thực tế, từ quý III/2023, tức sau đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận sự trở lại của các hoạt động “kick-off”, mở bán, tái khởi động dự án… và các hoạt động này tăng dần từ đó tới nay, mang đến hy vọng cuộc suy thoái tồi tệ nhất 10 năm qua sớm chấm dứt hoàn toàn.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), doanh nghiệp địa ốc vừa là đối tác, vừa là khách hàng của ngân hàng, người mua nhà tại các dự án bất động sản cũng là khách hàng của ngân hàng, nên đây là lĩnh vực rất được ngân hàng quan tâm. Việc gia tăng liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cho thấy sự kỳ vọng lớn vào nhóm doanh nghiệp này từ phía ngân hàng. Đó cũng là điều dễ hiểu khi thị trường bất động sản bắt đầu bước vào chu kỳ mới, trong khi lượng tiền trong ngân hàng đang dư thừa.

“Dù chưa thể khẳng định thị trường bất động sản sẽ bật mạnh sau những ‘cú bắt tay’ này, nhưng khi các dự án có đủ tài chính để triển khai xây dựng, nguồn cung ra thị trường chắc chắn sẽ tăng lên. Điều này giúp mở rộng cơ hội mua nhà cho người dân, còn doanh nghiệp thu về được dòng tiền. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc tiếp tục phát triển và vượt qua thách thức”, ông Châu nói.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Tổ Tư vấn chính sách tiền tệ của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ giúp thị trường địa ốc tốt lên ở nhiều khía cạnh. Mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp thị trường hồi phục mạnh hơn bởi các doanh nghiệp lĩnh vực này chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển dự án, người mua cũng vay tiền ngân hàng để mua nhà, nên ngành này nhận được tác động tích cực “kép”.

“Việc các ngân hàng sẵn sàng đổ vốn vào các dự án bất động sản khiến tâm lý thị trường cải thiện hơn sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Đồng thời, sự dịch chuyển của dòng tiền sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản, tạo bước đệm để thị trường hồi phục nhanh hơn thời gian tới”, ông Lực nhìn nhận.

Báo cáo Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản của Batdongsan.com.vn cho thấy, chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa cuối năm 2023 tăng 3 điểm so với nửa đầu năm - đây là lần tăng đầu tiên sau 4 lần liên tục giảm. Chỉ số tâm lý thị trường đầu năm 2024 tăng lên nhờ mức độ hài lòng về thị trường được cải thiện với niềm tin giá bất động sản, các chính sách hỗ trợ, lãi suất, nguồn vốn tín dụng… đều ổn định trong tương lai, từ đó gia tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận, việc tâm lý người mua - bán bất động sản tích cực hơn là cơ hội để thị trường giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của năm 2023, từ đó phát triển ổn định hơn trong năm 2024. Theo đó, thị trường địa ốc sẽ bước vào thời kỳ khởi sắc từ quý II-IV/2025.

“Giai đoạn này ghi nhận sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản được đẩy mạnh. Tiềm lực tài chính của chủ đầu tư và môi trường tiền tệ cải thiện dẫn đến sự phục hồi về nguồn cung và thanh khoản trên diện rộng, giá bất động sản theo đó cũng gia tăng”, ông Quốc Anh nói.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục