Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 8/2019, tín dụng tăng hơn 8% so với cuối năm 2018 cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại trong thời gian vừa qua.
Nhìn lại số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là 7,742 triệu tỷ đồng, tăng 7,36% so với cuối năm 2018.
Ðối chiếu theo các số liệu này có thể thấy, tín dụng chỉ tăng thêm có 0,64 điểm phần trăm trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, tức mỗi tháng tăng khoảng 0,32 điểm phần trăm, chỉ bằng 1/4 mức tăng trưởng tín dụng bình quân hàng tháng trong 6 tháng đầu năm.
Mức tăng trên cũng thấp hơn mức tăng 8,5% của cùng kỳ 2018 - là năm tăng trưởng toàn hệ thống chỉ đạt 13,89%. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay, bình quân tín dụng phải tăng khoảng 1,5%/tháng trong 4 tháng cuối năm. Ðây là điều không dễ dàng.
Nhóm phân tích của CTCK SSI cho biết, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.
Và nếu cả 8 ngân hàng này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm so với hạn mức cũ là khoảng 46.000 tỷ đồng, tức khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết: “Ngân hàng vẫn đang co kéo trong chỉ tiêu NHNN giao từ đầu năm. Là ngân hàng đang tái cơ cấu, VietinBank không xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng”.
9 ngân hàng được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, TPBank, ACB, Techcombank, VPBank, MSB. Ngay từ tháng 6/2019, một số ngân hàng này được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như VPBank nâng lên 16% thay vì 12%; Techcombank, ACB và MB được nâng từ 13% lên 17%...
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, với các ngân hàng áp dụng sớm Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ được nới room tín dụng, trừ MSB. Những ngân hàng còn lại, được tăng hay không và mức tăng bao nhiêu tùy thuộc vào việc đáp ứng được các thông số của NHNN.
Với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6-6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5-4% (như mục tiêu Chính phủ đề ra), tốc độ tăng GDP danh nghĩa trong năm 2019 ước đạt 10-11%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018.
Nhóm nghiên cứu Trường Ðại học Ngân hàng TP.HCM dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ vào khoảng 12-13%, thấp hơn mức tăng thực tế của năm 2018, cũng như mục tiêu 14% đề ra đầu năm. Trong khi đó, khá nhiều chuyên gia kinh tế vẫn giữ quan điểm tăng trưởng tín dụng chỉ nên trên 10%.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, con số tăng trưởng tín dụng hơn 8% tính đến thời điểm cuối tháng 8 không có gì là bất bình thường trong thời điểm này.
Nhu cầu vốn thực tế lúc nào cũng cao, nhưng thanh khoản của các ngân hàng giai đoạn này khá ổn định, đó là chưa kể đến NHNN vừa áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ các ngân hàng có dư tiền để cho vay.
“Một trong những yếu tố tác động đến nhu cầu vay như thương chiến Mỹ - Trung càng ngày càng leo thang sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng và tác động tới hoạt động vay vốn dành cho xuất khẩu. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu vốn sẽ giảm đi... Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi chưa thấy có dấu hiệu nhu cầu vốn giảm, bởi chưa có biến động mạnh”, vị tổng giám đốc trên nói.
Một lãnh đạo BIDV nhận định: “Chênh lệch huy động vốn - tín dụng tháng 9 được dự báo tiếp tục duy trì ổn định so với mức cuối tháng 8, có thể sẽ giảm nhẹ khoảng 5.000-10.000 tỷ đồng khi các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng vào cuối quý III.
Thông thường, nhu cầu vốn của các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng vào các thời điểm cuối tháng nên cũng không có gì bất thường nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng qua”.
Một điểm đáng chú ý khác là với quy định hiện nay, các ngân hàng có xu hướng hạn chế cho vay trung - dài hạn và tập trung cho vay kỳ hạn ngắn. Ðây cũng là lý do khiến dư nợ tín dụng dễ biến động hơn.